Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009

Xuất khẩu kỹ sư

Categories:

Tại sao xuất khẩu lao động, hợp tác lao động lâu nay chỉ đơn thuần dừng lại ở chuyện giải quyết việc làm? Sao không vừa kiếm tiền vừa học để tương lai trở thành những ông chủ?.

Những câu hỏi đó cứ ám ảnh cựu du học sinh VN tại Nhật Bản Lê Long Sơn.


Giám đốc Lê Long Sơn (bìa phải) trong buổi phỏng vấn 101 kỹ sư đầu tiên cho năm 2008

Năm 2000, khi nhận bằng thạc sĩ tại Trường ĐH Nokodai (ĐH Công nông nghiệp Tokyo) với học bổng Mombusho nhờ những tháng ngày “vượt lên chính mình” (học bổng của Chính phủ Nhật Bản tài trợ, mỗi năm chỉ hai người được nhận học bổng này/trường), con đường học lên để lấy học vị tiến sĩ của Lê Long Sơn như bằng phẳng và rộng thênh thang.

Nhưng ngay thời điểm đó anh lại nghĩ: “Giá có nhiều kỹ sư VN cũng được thấy sự phát triển của nước bạn để cùng nhau làm một điều gì đó cho VN...”. Thế là Sơn quyết định không tiếp tục học lên nữa, len lỏi vào các công ty, xí nghiệp của Nhật để tìm cơ hội cho kỹ sư VN và xa hơn là cho nền công nghiệp VN.

Sau bảy năm vừa làm vừa nghiên cứu, vừa làm quen và tạo dựng quan hệ với những tập đoàn, công ty lớn, vừa và nhỏ ở Nhật, năm 2008 Công ty Esuhai do Lê Long Sơn sáng lập đã quyết định xây dựng một chương trình lớn: đến năm 2020 sẽ đưa được 5.510 kỹ sư VN sang làm việc và học hỏi thực tế tại nước Nhật.

Giám đốc Sơn giải thích: VN đang hướng đến năm 2020 sẽ trở thành nước công nghiệp và rất cần những kỹ sư chuyên nghiệp. Dự định của anh là đưa kỹ sư VN đến Nhật làm việc trong thời gian 3-5 năm hoặc lâu hơn, mỗi năm sẽ là 101, 201, 301... kỹ sư.

“Tôi chọn những con số này vì nó có tính gợi mở và tiến tới”, anh giải thích và khẳng định: “Chính trong công việc thực tế tại những công ty hàng đầu của Nhật để chạm tay vào công nghệ Nhật, “thở” bằng không khí làm việc của một nền công nghiệp phát triển sẽ là cơ hội để thẩm thấu công nghệ, kỹ thuật, học được bí quyết chế tạo sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp từ chính người Nhật...”.

Đi Nhật không chỉ để kiếm tiền

Giám đốc Lê Long Sơn nói với nhiều kỹ sư Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong buổi “chiêu mộ” những người “dám thay đổi mình”: “Đi Nhật không chỉ để kiếm tiền”.

Xuất thân từ một kỹ sư cơ khí, tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) nên Lê Long Sơn luôn tự hào về kỹ sư VN: rất thích hợp với những ngành học kỹ thuật. Ước mơ cũng như những công việc mà Lê Long Sơn đang làm, như lời tâm sự của anh: “Trong tương lai, VN sản xuất thật nhiều sản phẩm kỹ thuật chính từ những kỹ sư VN với đức tính cẩn thận, chu đáo, miệt mài lao động, có đạo đức kinh doanh, vừa tự tin vừa khiêm nhường, có tính kế thừa và luôn vươn lên đỉnh cao công nghệ được như những kỹ sư Nhật Bản đã làm nên nước Nhật ngày nay”.

Theo anh, VN với lợi thế về tiềm năng con người, sức trẻ và nhiệt huyết vươn lên, còn Nhật Bản đang rất cần một luồng sinh khí mới đến từ VN và mong muốn tìm một cơ hội đầu tư sang VN trong tương lai gần. Đây là thời cơ tốt để kỹ sư VN tận dụng phát triển và xây dựng đẳng cấp, thương hiệu kỹ sư VN trong tương lai.

(Nguồn www.tuoitre.com.vn)

Spread The Love, Share Our Article

Related Posts

No Response to "Xuất khẩu kỹ sư"

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.