Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

Sách hay : “Mạn đàm nhân sinh”, cuốn sách về triết lý sống của người sáng lập Panasonic

Categories:

Cuốn sách Mạn đàm nhân sinh được dịch giả Phạm Thu Giang chuyển ngữ từ tác phẩm của chính Matsushita Konosuke viết, đã đem đến cho độc giả một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về cuộc đời của một con người nổi tiếng, để ta thấy toát lến từ nổi tiếng đến mức huyền thoại ấy là những điều gần gũi đến không ngờ.

Tên sách: MẠN ĐÀM NHÂN SINH
Tác giả: Matsushita Konosuke
Dịch giả: Phạm Thu Giang
Phát hành: Alphabooks & NXB Hà Nội

Mọi người đều đang sống những năm tháng hiện tại chỉ có một lần trong đời, một đi không trở lại. Vậy mà chỉ sống ơ hờ, không niềm vui thì thật là uổng phí. Trước hết, phải trả lời câu hỏi : Chúng ta sống để làm gì?

Từ những cuốn tự truyện của những con người nổi tiếng chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về con đường đến với thành công của họ, từ đó tìm cho riêng mình một bí quyết, một điều gì đó mới mẻ để học tập. Và Mạn đàm nhân sinh mang đến cho độc giả điều đó.

Cuốn sách không đi vào kể chuyện cuộc đời của Matsushita Konosuke - người sáng lập ra tập đoàn Panasonic (tiền thân là Công ty Công nghiệp điện tử Matsushi Electric Industrials Co, Ltd – Nhật Bản) - cuốn sách là những trải nghiệm, suy ngẫm mà người sáng lập Panasonic gom góp từ hơn 90 năm cuộc đời của mình.

Trong cuộc mạn đàm về Nhân sinh với độc giả, Matsushita Konosuke không nặng về giới thiệu sự nổi tiếng của tên tuổi mình, điều đặc biệt ở cuốn sách là ông đã đặt lên bàn đá hai chén trà ấm và mời độc giả cùng nhâm nhi. Qua đó, hình ảnh một người nổi tiếng sáng lập ra tập đoàn Panasonic lừng danh đã không còn xa vời đối với người đọc, mà ông ngồi ngay đây thôi, đang trò chuyện với chúng ta.

Matsushita sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha ông đột ngột lên cơn đau và chỉ sau ba ngày là qua đời khi ông mới 11 tuổi, mẹ ông cũng mất khi ông lên mười tám,và điều đáng lưu ý là ngay khi mới 9 tuổi ông đã phải xa gia đình đi làm giúp việc cho một thương gia. Người ta thường thấy những vĩ nhân đều xuất phát từ một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, phải chăng đó chính là động lực thúc đấy họ vươn lên đến với thành công?

Matsushita cho rằng mỗi con người đều có một vận mệnh riêng, và khi đặt mình vào vận mệnh đó thì sẽ làm được những việc nhất định, tất nhiên đó là khi bạn đặt cả nỗ lực bạn thân vào công việc đó.Tức là, khi mọi sự trôi chảy thì đó là do mình may mắn, còn khi gặp khó khăn thì nên nghĩ là do cách hiểu của mình dở, chắc chắn quan điểm đó sẽ làm cho mọi người thoải mái hơn.

Chân dung Matsushita Konosuke trên bìa tạp chí Time nổi tiếng. Nguồn: coverbrowser.com

Quan điểm của Matsushita về bệnh tật là điều khiến người đọc dễ ngạc nhiên, gọi là Nhất bệnh trường mệnh, tức là người mang trong mình một căn bệnh nào đó thì thường chú ý đến sức khoẻ và có khi sẽ sống lâu hơn những người khoẻ mạnh, không có bệnh tật.

Và ông chứng minh bằng cuộc đời hơn 90 năm của mình, dù cơ thể ông vốn yếu ớt từ nhỏ và 6 anh chị đều đã mất vì căn bệnh viêm phổi có thể di truyền.

Bàn về sự tự tin trong cuộc sống, ông tâm sự rằng tự tin là thứ vô cùng quan trọng, không có lòng tin thì dù có sống ở trên đời cũng sẽ không có điều gì vô bổ hơn thế. Và ông kể cho người đọc một câu chuyện thế này:

Một người khi làm ăn cần có vốn và phải vay tiền của ngân hàng. Và thế là anh ta đến ngân hàng bảo:

- Xin hãy cho tôi vay tiền!

- Công ty ông quy mô nhỏ, nên chúng tôi không thể cho ông vay một số tiền lớn như vậy được!

Bị người của ngân hang trả lời như thế, mà anh ta lại đành lòng: "Thế à? Thế thì chịu rồi", và rút lui thì sẽ không vay được tiền.

Lúc ấy, nếu là tôi, tôi sẽ trả lời thế này:

- Ông bảo công ty tôi nhỏ nên không cho vay vốn được, nhưng nhỏ không có nghĩa là yếu. Nhỏ mới linh hoạt, mới là mạnh đấy!

- Chí lý! Ông nói được đấy! Vậy thì chúng tôi sẽ cho ông vay!

Sự tự tin lúc này đóng vai trò thiết yếu như vậy đấy.

Matsushita Konosuke là con người thành đạt, tập đoàn điện tử Matsushita của ông đã có hơn ba trăm nghìn nhân viên với mạng lưới hàng trăm các công ty trực thuộc lớn nhỏ đang hoạt động ở hầu khắp các nước trên thế giới. Thương hiệu này đã trở thành một trong những biểu tượng của nền kinh tế Nhật Bản và ngày càng củng cố chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.

Ông có một nguyên tắc Vạn nhất tâm như có nghĩa là đồ vật và trái tim con người như mặt trước và mặt sau của một tờ giấy, đó cũng là ý nghĩa của tấm lòng người sản xuất với sản phẩm dành cho khách hàng. Gía trị của sản phẩm rất nên đánh giá tổng hợp từ nhiều mặt như dịch vụ hay tấm lòng gửi trọn trong đó.

Ông lý giải với việc sản phẩm của mình có thể bán giá cao hơn so với thị trường nhờ việc kèm thêm với mỗi sản phẩm bán ra tất cả tấm lòng của người sản xuất. Bởi một điều quan trọng là, ông coi trong đồ vật cũng ẩn chứa tâm hồn, đó vừa là động lực vừa là thách thức khiến người sản xuất chú tâm làm việc.

Với Mạn đàm nhân sinh, ông chủ tập đoàn Panasonic đã chia sẻ những suy ngẫm rất gần gũi nhưng sâu sắc về cuộc sống - công việc... Nguồn: imaginecake.com

Thành công trong hoạt động kinh doanh của Matsushita là tổng hợp của quá trình mày mò, từ giá trị sản phẩm đến chất lượng dịch vụ, ông cho rằng nếu nâng tiêu chuẩn đánh giá sự vật hiện tượng lên cao hơn mức bình thường một chút, con người sẽ nâng sự nỗ lực của bản thân lên để có thể tạo ra sản phẩm đó. Và ông đã chứng minh điều đó bằng việc sản xuất ra những chiếc radio lý tưởng , độc đáo và vô cùng bền.

Với người chủ tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này, tình cảm con người là vô cùng thiêng liêng và quý giá. Bằng tất cả trải nghiệm cuộc sống của bản thân ông nhắn nhủ với giới trẻ thời đại ngày nay rằng họ đang hạnh phúc hơn thế hệ ngày xưa, hạnh phúc hơn ở chỗ họ có thể đáp trả công ơn sinh thành của cha mẹ, vì bây giờ họ có khả năng để phụng dưỡng cha mẹ, điều mà ông cảm thấy day dứt khôn nguôi. Bởi bản thân ông, khi thành công thì cha mẹ đã không còn nữa.

Mục đích cuối cùng của con người là làm sao có thể sống hạnh phúc được, với Matsushita đó lại là điều vô cùng giản đơn, bạn hạnh phúc khi bạn có việc để làm, làm tốt việc cần làm và giữ tâm hồn trong sáng trong mọi hoàn cảnh.

Bản chất của hạnh phúc chính là sự song hành của bất hạnh và hạnh phúc, khi bạn muốn có hạnh phúc, bạn bắt buộc phải trải qua bất hạnh, và ngược lại, khi hạnh phúc rồi, bạn sẽ tiếp tục nếm trải bất hạnh. Đừng băn khoăn nhiều nhé, vì đó là bản chất của cuộc sống!

Cuốn sách Mạn đàm nhân sinh được dịch giả Phạm Thu Giang chuyển ngữ từ tác phẩm của chính Matsushita Konosuke viết, đã đem đến cho độc giả một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về cuộc đời của một con người nổi tiếng, để ta thấy toát lến từ nổi tiếng đến mức huyền thoại ấy là những điều gần gũi đến không ngờ.

Độc giả Việt Nam sẽ thêm một lần nữa tiếp cận với những quan niệm về cuộc sống-công việc, những nguyên tắc hành xử của doanh nhân Nhật Bản - những người nổi tiếng về sự nghiêm cẩn, cần cù và tinh thần vươn lên đáng nể phục.

Quan trọng hơn, với người trẻ tuổi, thì cuốn sách gom góp những suy nghĩ, kinh nghiệm giản dị chắt lọc từ cuộc sống đầy bươn chải, từ con đường đi đến danh vọng chẳng bằng phẳng, dễ dàng gì.

(Nguồn www.doanhnhan360.com)

Spread The Love, Share Our Article

Related Posts

No Response to "Sách hay : “Mạn đàm nhân sinh”, cuốn sách về triết lý sống của người sáng lập Panasonic"

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.