Brainstorming là gì?
Brainstorming (Công não/Tấn công não/tập kích não/Động não) là một kỹ thuật ban đầu được tạo ra để tìm ý tưởng trong làm việc theo nhóm.
Xin đặt ra câu hỏi là bao nhiêu ý tưởng thì đủ? Một ý tưởng mới mẻ có thể làm vừa lòng rất nhiều người mà hằng ngày họ luôn làm những công việc bình bình. Tuy nhiên, nếu bạn có hơn một ý tưởng thì sao? Vậy thì quá tuyệt rồi! Câu trả lời cho câu hỏi trên là giới hạn của số ý tưởng đưa ra chính là tất cả những ý tưởng mà bạn còn có thể nghĩ ra và phát triển được. Nói cách khác, hãy bỏ qua những giới hạn và bắt bộ não của bạn hoạt động hết khả năng, khi đó bạn sẽ thật sự bị bất ngờ trước khả năng sáng tạo của chính mình.
Phương pháp áp dụng
Khi sử dụng kỹ thuật Brainstorming thật đơn giản, bạn hãy chuẩn bị một cây bút và giấy trắng để có thể viết tất cả những điều bạn hay cả nhóm của bạn đang suy nghĩ ra. Hãy viết bất cứ thứ gì có trong đầu bạn ra mặt giấy, không cần phải suy nghĩ nó là một ý tưởng tốt hay chỉ là một suy nghĩ thoảng qua trong đầu. Bạn càng không cần phải bận tâm đến việc mình có viết đẹp, ngay hàng thẳng lối hay không, nếu cần diễn tả một hình ảnh, cứ việc vẽ ra nếu bạn thích, nhưng hãy phác hoạ thật nhanh chóng, hay khi phát hiện ra mình viết sai thì cũng chẳng cần phải quay lại để sửa chữa, hãy để suy nghĩ của bạn liên tục. Đừng chỉ suy nghĩ về chỉ 1 thứ mà hãy suy nghĩ đến tất cả những thứ có liên quan đến nó. Cứ viết và đừng dừng bút để suy nghĩ. Nếu bạn dừng bút trong khoảng thời gian dài hơn 10 giây, điều đó có nghĩa là bạn đã khai thác quá nhiều về ý tưởng đó, hãy lập tức bỏ qua một bên và quay sang những thứ liên quan khác, ta sẽ quay lại với nó sau. Có thể bạn cảm thấy hơi ngớ ngẩn, nếu chỉ viết ra tất cả mọi thứ như vậy thì bạn sẽ đạt được cái gì cụ thể ? Mục đích của quá trình Brainstorming này không phải là tìm được chính xác một ý tưởng hoàn thiện mà là đưa ra được càng nhiều ý tưởng càng tốt, do đó e ngại khi viết ra những điều mà bình thường bạn nghĩ sẽ rất ngớ ngẩn, ví dụ như xây dựng một ngôi nhà không cần tới mái chẳng hạn, thật sự thì bạn cũng đã thấy bây giờ đã có những ngôi nhà không có mái trong thực tế. Nếu không có ý tưởng thì không thể nào có kết quả. Và cách tốt nhất để có được một ý tưởng tốt là bạn phải có thật nhiều ý tưởng.
Ngoài việc đưa ra thật nhiều ý tưởng, brainstorming còn giúp ta phân tích kỹ vấn đề, tự xem xét tất cả vấn đề có thể xảy ra khi trong khi ta liên tục đặt ra những câu hỏi: Nếu vậy, giả sử như …
Ví dụ: bạn sẽ nhìn thấy rất rõ được chức năng của từng bộ phận trong căn nhà của bạn nếu liên tục đặt ra những câu hỏi nếu như không có nó thì sẽ như thế nào? Hay giả sử nó để vào chỗ khác thì có ảnh hưởng không? Tổng thể sẽ ra sao nếu nó có hình dạng khác với hình dạng chuẩn? … Hay khi đặt câu hỏi nếu đang làm mà mất đi một bộ phận của nhà thì sẽ lấy gì để thay thế ?… Những câu hỏi như vậy sẽ giúp bạn hình dung và đưa ra giải pháp xử lý tình huống bất ngờ một cách sáng suốt nhất. Đưa ra nhiều tham số để lựa chọn, bạn sẽ dễ dàng để lựa chọn được cách tối ưu nhất. Như khi bạn chỉ có 2 màu sơn để sơn một căn phòng cho thích hợp, bạn sẽ phải buộc hài lòng với một trong hai, nhưng khi có trong tay tới 20 màu sơn thì bạn hoàn toàn lựa chọn màu sắc nào là thích hợp với tính cách bản thân mình nhất. Bạn chỉ có thể có được kết quả tốt nhất khi bạn có được ý tưởng tốt nhất.
Tóm lại:
Để có một buổi brainstorming hiệu quả:
Định rõ vấn đề cần được giải quyết và liệt kê những tiêu chuẩn đặt ra.
Hướng buổi brainstorming theo đúng trọng tâm.
Đảm bảo không có bất kì người nào bình phẩm hay đánh giá những ý kiến được đưa ra trong suốt quá trình brainstorming.
Tin tưởng, khuyến khích lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm. Động viên mọi người, kể cả những người trầm lặng nhất góp ý kiến và phát triển ý tưởng.
Tạo một không khí brainstorming hào hứng, vui vẻ. Thu thập càng nhiều ý tưởng càng tốt, từ những điều thực tế đến những chuyện hoang đường.
Chào đón tất cả sự sáng tạo
Không để bất kì dòng ý tưởng nào được thảo luận quá lâu, vì sẽ dễ đưa ý tưởng đi lệch trọng tâm.
Khuyến khích mọi người phát triển ý tưởng của thành viên khác hoặc dùng ý tưởng của người khác để phát triển ra ý tưởng mới.
Luôn có thư ký cho buổi brainstorming để ghi lại những ý tưởng được đề ra theo hình thức biểu đồ phát triển, biểu đồ này sẽ rất có ích để tìm hiểu và tổng kết nhằm đưa ra kết quả tối ưu.
No Response to "Brainstorming – Kỹ thuật động não để tạo ra ý tưởng mới"
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.