Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Nghi thức cúi chào của người Nhật

Không giống như người dân các nước phương Tây, người Nhật Bản khi gặp nhau không bắt tay hay ôm hôn mà thay vào đó là cúi chào nhau. Cúi chào là một nghi thức khá phức tạp nhưng rất quan trọng trong giao tiếp. Bạn phải học cúi chào đúng cách để thể hiện sự tôn trọng đối với người Nhật.

Trên đất Nhật, người Tây cũng phải cúi chào

Nghi thức cúi chào được gọi là Ojigi. Ojigi bao gồm nhiều mức độ, từ một cái gật đầu khẽ đến tư thế cúi gập người 90 độ. Tư thế cúi chào của Ojigi phụ thuộc vào hoàn cảnh, vị thế của người bạn chào đối với bạn, và phụ thuộc vào bạn là nam hay nữ.

Các đồng nghiệp cúi chào khi gặp nhau

Ojigi không chỉ được dùng khi gặp nhau, mà còn thể hiện sự biết ơn, biết lỗi, nhờ vả… Vì vậy, khi cảm ơn hay xin lỗi người Nhật, bạn cũng phải hành lễ Ojigi. Tư thế hành lễ đẹp nhất là đứng chụm hai chân lại, đổ người về trước ở phần eo làm sao cho lưng và chân vẫn giữ thẳng, không được để cong. Khi cúi người, bạn có thể đồng thời nói những câu như “Konnichiwa” (xin chào), “Arigatou gozaimasu” (cám ơn), “Sumimasen” (xin lỗi), “Onegaishimasu” (làm ơn)…

Trong xã hội hiện đại, thông thường người ta sẽ đứng và cúi chào, nhưng nếu nghi lễ được diễn ra trên sàn trải tatami, bạn phải quỳ xuống chào. Hai bàn tay duỗi thẳng, khép các ngón lại và đặt trước mặt, hai bàn tay không chĩa thẳng về phía người đối diện mà hơi chụm vào nhau, cách nhau khoảng 10-20cm. Khi cúi xuống thì cúi từ từ, đầu cách mặt đất 10-15cm. Khi ngẩng dậy cũng làm thật từ tốn.

Ojigi trên sàn tatami


Khi đứng chào, đối với nam: hai bàn tay duỗi thẳng, khép ngón, khép hai cánh tay sát bên sườn, và cúi xuống.

Đối với nữ: hai tay duỗi thẳng, đặt trước người tạo thành hình chữ V sao cho bàn tay phải đặt trên bàn tay trái, ngón tay duỗi thẳng và khép lại, rồi từ từ cúi chào.


Trong trường hợp chào xã giao hàng ngày, đối với những người ngang tầm mình thì cúi khoảng 15 độ.


Trang trọng hơn, như khi lần đầu gặp mặt, cúi khoảng 30 độ. Còn khi muốn cảm ơn ai đó, bạn nên cúi 45 độ thể hiện sự biết ơn từ tận đáy lòng mình.


Đối với sếp hay những người lớn tuổi hơn, càng cúi thấp càng thể hiện sự kính trọng của bạn đối với người đó, nghĩa là, người bạn chào có cấp bậc hay tuổi tác hơn bạn càng nhiều thì bạn càng phải cúi sâu và giữ ở tư thế đó lâu hơn bình thường. Đôi khi phải cúi gập đến 90 độ, trong những trường hợp gia nhân chào chủ nhà chẳng hạn.


Ảnh trên đây là ví dụ về các cách chào trong nghi lễ Ojigi, các bạn có thể thấy là 2 hình đầu là cách chào đúng, hình cuối cùng là cách chào sai, vì lưng và chân bị cong. Tuy nhiên, không phải cứ nhìn thấy nhau là người ta lại hành lễ Ojigi, thông thường chỉ lần gặp đầu tiên trong ngày, người Nhật sẽ cúi chào theo đúng chuẩn, còn những lần gặp tiếp theo họ sẽ chỉ khẽ gật đầu chào nhau, để khỏi phiền phức và tốn thời gian.

Ojigi, như đã nói ở trên, là một nghi lễ rất quan trọng. Người Nhật Bản luôn tỏ ra nhã nhặn và lịch sự, các bạn có thể thấy là thậm chí trên những tấm bảng thông báo ở công trường, người ta cũng vẽ hình một chú công nhân đang hành lễ Ojigi.

Ojigi quan trọng như vậy, nên khi giao tiếp với người Nhật, bạn đừng quên các nguyên tắc mà Ichi đã chia sẻ nhé, chắc chắn sẽ gây được ấn tượng tốt với người Nhật đó.

Seijinshiki - Lễ thành nhân

Seijinshiki (成人式 – Thành Nhân Thức hay còn gọi là Lễ thành nhân) là một sự kiện quan trọng được tổ chức hàng năm của Nhật Bản. Nó là dịp lễ hội mỗi năm chỉ có một lần dành cho những thanh niên đã đến tuổi 20 ở Nhật. Trong ngày này, những bạn trẻ đã đủ 20 tuổi được công nhận là đã trưởng thành và kể từ lúc đó, họ có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân (như có quyền hút thuốc, uống rượu bia, có quyền bầu cử…)


Lễ thành nhân là một trong những quốc lễ của Nhật Bản, được tổ chức vào ngày thứ hai của tuần thứ hai trong tháng đầu tiên của một năm. Seijjinshiki có nguồn gốc từ một nghi thức cổ xưa của Nhật được gọi là Genpuku (元服). Đây thực chất là lễ trưởng thành dành cho các bé trai của những gia đình samurai quyền quý. Genpuku mới đầu không quy định rõ độ tuổi nào được coi là “trưởng thành” tuy nhiên từ thời kì Nara (710 – 794) đến thời kỳ Heian (794-1192) thì lễ được tổ chức cho những bé trai trong khoảng 13 đến 16 tuổi (lễ trưởng thành của các bé gái thời này được gọi là mogi cho các bé từ 12-14 tuổi).


Đến khoảng thế kỷ thứ 16, nó được đổi tên thành Genpukushiki. Trong buổi lễ ấy, nghi thức để xác nhận một người đã trưởng thành là cắt đi phần tóc ở trước trán của họ. Sau này, nghi thức được phổ biến tới cả những tầng lớp bình dân và nông dân cho đến tận cuối triều đại Edo. Genpukushiki được coi như là nghi thức bắt nguồn cho seijinshiki, tuy nhiên nghi thức lễ hội như hiện nay được bắt đầu từ năm 1948. Trong suốt một thời gian dài, ngày lễ thành nhân được quy định là ngày 15 tháng 1 và điều này đã được ghi cả trong Hiến pháp Nhật. Nhưng sau này nhằm mang lại những kỳ nghỉ dài hơn cho người dân, lễ hội được đổi lại thành ngày thứ hai đầu tiên của tuần thứ hai trong năm theo như hệ thống Thứ Hai Vui Vẻ. Nghĩa là năm 2009, nó rơi trúng vào ngày thứ 2 – 12/1 vừa qua.


Lễ thành nhân không chỉ dành cho những người đã đạt 20 tuổi khi ngày lễ được tổ chức mà thực chất những người sẽ bước sang tuổi 20 trong tháng 2, tháng 3 và tháng 4 tiếp đó cũng có thể tham dự buổi lễ.

Trong ngày này, những ai tham dự lễ hội đều sẽ khoác lên mình những bộ trang phục đẹp đẽ và sang trọng nhất bởi bạn chỉ có thể tham gia lễ hội này một lần trong đời.


Đối với các bạn nữ, họ sẽ làm tóc thật đẹp và khoác lên mình những bộ kimono furisode thật lộng lẫy. Bình thường, khi những cô gái Nhật đã đến tuổi trưởng thành, bố mẹ sẽ mua tặng họ một bộ kimono furisode để đánh dấu dấu mốc quan trọng này. Họ có thể sẽ được thừa hưởng những bộ kimono truyền thống của gia đình hoặc đơn giản hơn, họ có thể đi thuê.


Các bạn nam có thể mặc lễ phục (Haori và Hakama) tuy nhiên thường thì họ mặc vest và có thể đem theo cả bạn gái của mình cùng dự buổi lễ.


Lễ thành nhân được tổ chức tại các đền thờ hay những nhà hát, sân vận động lớn của từng vùng và cách tổ chức của mỗi vùng cũng có sự khác biệt nhất định.


Nhưng thông thường buổi lễ sẽ diễn ra vào buổi sáng, các nhà chức trách sẽ đọc diễn văn và sau đó họ sẽ tặng một món quà cho những người trưởng thành mà thường là một món tiền lì xì nho nhỏ.

Sau buổi lễ, những người trẻ tuổi tập trung lại thành những nhóm bạn và tổ chức tiệc tùng để kỷ niệm thời khắc trọng đại này.


Seijinshiki là một sự kiện truyền thống thật tuyệt vời và đầy ý nghĩa của Nhật Bản dành cho không chỉ những người đã đến tuổi trưởng thành mà còn cho chính gia đình của họ. Seijinshiki là một dịp để chúc mừng những người trưởng thành, đồng thời khuyến khích họ nhận ra rằng họ đã trở thành người lớn và đã đến lúc bắt đầu một cuộc sống tự lập. Bên cạnh đó nó cũng là một ngày lễ có ý nghĩa rất quan trọng đối với bản thân mỗi thanh niên Nhật Bản. Đó chính là cơ hội của họ để nói cho thế giới biết sự tới sự tồn tại độc lập của mình. Sau bao năm sống một cuộc sống phụ thuộc, được bao bọc bởi gia đình, đến trường và mặc những bộ đồng phục giống nhau, giờ đây họ đã trưởng thành cả về thể xác lẫn tinh thần và được thừa nhận là những công dân thực thụ của xã hội. Những công dân mới này đã có đủ tự tin cũng như tự do để là chính mình, để sống như mình mong muốn, và giờ họ cũng đã mang những quyền lợi và nghĩa vụ của riêng mình.

Dấu hiệu chữ V tại Nhật Bản

Khi giơ hai ngón tay trỏ và ngón giữa tạo dấu chữ V đưa về phía người khác (ghi nhớ: phải là dấu chữ V được hướng lòng bàn tay về phía người đối diện) thì hầu như ai cũng có thể nhận ra rằng bạn đang muốn tỏ bày sự động viên, một lời chúc dành cho người đối diện rằng: Bạn nhất định sẽ chiến thắng! Bởi V cũng có nghĩa là Victory! Chiến thắng nào!!!


Ngày nay, cử chỉ này trở nên vô cùng phổ biến và có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên thế giới. Tuy nhiên lịch sử của nó chỉ thực sự bắt đầu vào khoảng thập niên 60, sau cuộc cách mạng hoà bình ở Mỹ. Được các binh lính Mỹ và người thân sử dụng với mong muốn giành được chiến thắng mà từ đó nó trở nên phổ biến. Do vậy, ngoài ý nghĩa là “victory” thì dấu hiệu chữ V còn có nghĩa là “peace” – Hãy cho hoà bình một cơ hội! Tuy nhiên vẫn có những ý nghĩa khác với dấu hiệu phổ biến này mà có thể bạn chưa biết…Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những ý nghĩa ẩn sau đó ^_^


Tại các nước phương Tây, khi làm dấu hiệu chữ V trong nhà hàng đồng nghĩa với việc ám chỉ về số 2, 2 lần, muốn gọi 2 món…Nên bạn nhớ chú ý khi đưa tay về phía người bồi bàn nhé! Họ sẽ tưởng là bạn muốn gọi phần ăn dành cho 2 người đấy. Trong những cuộc thi dành cho bọn trẻ con. Khi huấn luyện viên hay trọng tài làm dấu hiệu chữ V, tay đưa lên cao cũng có nghĩa là: Dừng lại! Thời gian đã hết. Không phải là ông ấy muốn cổ vũ cả 2 đội đều chiến thắng đâu nhé!


Vậy khi người ta đưa dấu hiệu chữ V lúc chụp ảnh, điều ấy có nghĩa là gì? Một lời chúc chiến thắng ư? Hay có nghĩa là “chụp thêm lần nữa đi!”…Chà, không đơn giản đâu nhé!

Và bạn có biết từ nơi nào mà hình thành thói quen giơ tay tạo dấu hiệu chữ V trong khi chụp ảnh [ một dấu hiệu về sự vui vẻ và may mắn] của người dân ở rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay không?


Câu trả lời là: dấu hiệu này đến từ Nhật Bản ^ ^

Năm 1972, thế vận hội Olympic mùa đông được tổ chức tại Sapporo - Nhật. Vận động viên trượt băng tên Janett Lynn đã gây ấn tượng với cổ động viên Nhật Bản khi vẫn giữ vững nụ cười dù bị trựơt ngã trong lúc làm một động tác phức tạp trên băng. Sau đó, trong bữa tiệc kỷ niệm dành cho Lynn, người ta bắt gặp hình ảnh cô giơ cao dấu hiệu chữ V với gương mặt rạng ngời [khi ấy, cô còn là một nhà hành động vì hoà bình]. Và ở Nhật, chữ cái V còn được phát âm hơi giống với từ “peace” trong tiếng Anh. Kể từ đó nó đã trở thành một dấu hiệu được sử dụng vô cùng phổ biến tại Nhật. Và, ngay cả khi gương mặt…trông vẫn hơi hơi nghiêm túc, không mỉm cười thì người dân Nhật Bản vẫn sẵn sàng tạo dấu hiệu chữ V. Đối với họ, những biểu hiện về cảm xúc vui vẻ phấn chấn trên gương mặt thật khó thể hiện, nay đã có những dấu hiệu chữ V biểu lộ giúp họ ^_^

Từ những người dân bình thường cho tới các chính khách, các ngôi sao…đều thích mỉm cười tươi tắn và giơ cao dấu hiệu này khi được chụp ảnh. Bởi khi bạn giơ cao dấu hiệu chữ V trong những bức hình sẽ mang ý nghĩa: “tốt lành” – “chiến thắng” – “vui vẻ” – “đoàn kết nhé!” hay “mạnh mẽ lên nào”…Trong tiếng Nhật, dấu hiệu chữ V được viết thành: ピースサイン nghĩa là “biểu tượng của hòa bình”.

Nó còn trở thành một “biểu tượng” của may mắn và hạnh phúc trong suy nghĩ của rất nhiều người dân tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Châu Á, hầu hết những người dân Nhật Bản, Trung Quốc hay ở Đài Loan…họ sẽ rất thích nếu trông thấy bạn vẫy vẫy tay với dấu hiệu chữ V, có nghĩa là: “Hạnh phúc nhé” đấy!


Thật là một dấu hiệu thật dễ thương và vui vẻ phải không các bạn?!!

Nhưng hãy nhớ là chỉ được giơ hai ngón tay trỏ - giữa tạo hình chữ V và hướng lòng bàn tay về phía người đối diện. Bởi nếu bạn làm ngược lại, tức là hướng mu bàn tay với dấu chữ V về phía một người Anh, Úc hay Ai Len thì nhất định sẽ chuốc phiền toái đấy nhé. Đơn giản vì dấu hiệu chữ V “ngược” tại các quốc gia đó đồng nghĩa với…“đồ tồi”, “tên khốn!”,…Thế mới nói, chẳng có gì dễ nắm bắt như ngôn ngữ cơ thể và cũng không có gì phức tạp và nhạy cảm hơn nó. Vì thế hãy thật thận trọng khi sử dụng, nhất là trước khi đi du lịch đến một nền văn hoá khác thì bên cạnh tiền, balo và bản đồ…hãy tự chuẩn bị thêm cho mình một số kiến thức về các biểu tượng và dấu hiệu của “body language” nữa nha bạn!

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

Phong cách giao tiếp của người Nhật Bản

Đối với người Nhật Bản, hoa anh đào không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao mà còn là nỗi buồn về sự ngắn ngủi, phù du và tính khiêm nhường, nhẫn nhịn. Cây hoa anh đào đem tặng được xem như biểu tượng hòa bình của nước Nhật với các nước khác trên thế giới.

Hoa anh đào mọc ở Triều Tiên và Mỹ không có mùi hương. Trong khi đó, ở Nhật Bản, người ta ngợi ca hương thơm của hoa anh đào trong những vần thơ.

Hoa anh đào nở báo hiệu mùa xuân đến. Suốt tuần lễ thứ hai của tháng Tư, lễ hội hoa anh đào được tổ chức khắp nơi đón mùa xuân mới và mọi người tụ tập trong các buổi tiệc ngắm hoa “ohanami” (flower viewing party). Mỗi khi mùa xuân đến, hoa đào như phủ khắp đất nước Nhật Bản. Cả một màu hồng phấn ôm trọn lấy núi đồi, lan tỏa khắp phố phường tượng trưng cho một mùa lãng mạn và đẹp nhất: mùa hoa anh đào.

Trong giao tiếp truyền thống của người Nhật có những quy tắc, lễ nghi mà mọi người đều phải tuân theo tùy thuộc vào địa vị xã hội, mối quan hệ xã hội của từng người tham gia giao tiếp. Những biểu hiện đầu tiên trong quá trình giao tiếp của người Nhật là thực hiện những nghi thức chào hỏi. Tất cả các lời chào của người Nhật bao giờ cũng phải cúi mình và kiểu cúi chào như thế nào phụ thuộc vào địa vị xã hội, từng mối quan hệ xã hội của mỗi người khi tham gia giao tiếp.

Một quy tắc bất thành văn là “người dưới” bao giờ cũng phải chào “người trên” trước và theo quy định đó thì người lớn tuổi là người trên của người ít tuổi, nam là người trên đối với nữ, thầy là người trên (không phụ thuộc vào tuổi tác, hoàn cảnh), khách là người trên... Người Nhật sử dụng ba kiểu cúi chào sau:

+ Kiểu Saikeirei: cúi xuống từ từ và rất thấp là hình thức cao nhất, biểu hiện sự kính trọng sâu sắc và thường sử dụng trước bàn thờ trong các đền của Thần đạo, chùa của Phật giáo, trước Quốc kỳ, trước Thiên Hoàng.

+ Kiểu cúi chào bình thường: thân mình cúi xuống 20-30 độ và giữ nguyên 2-3 giây. Nếu đang ngồi trên sàn nhà mà muốn chào thì đặt hai tay xuống sàn, lòng bàn tay úp sấp cách nhau 10-20cm, đầu cúi thấp cách sàn nhà 10-15cm.

+ Kiểu khẽ cúi chào: thân mình và đầu chỉ hơi cúi khoảng một giây, hai tay để bên hông.

Người Nhật chào nhau vài lần trong ngày, nhưng chỉ lần đầu thì phải chào thi lễ, những lần sau chỉ khẽ cúi chào. Ngay cả người Nhật cũng thấy những nghi thức cúi chào này hết sức rườm rà nhưng nó vẫn tồn tại trong quá trình giao tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác và cho đến tận ngày nay.

+ Giao tiếp mắt: người Nhật thường tránh nhìn trực diện vào người đối thoại, mà họ thường nhìn vào một vật trung gian như caravat, một cuốn sách, đồ nữ trang, lọ hoa..., hoặc cúi đầu xuống và nhìn sang bên. Nếu khi nói chuyện mà nhìn thẳng vào người đối thoại thì bị xem như là một người thiếu lịch sự, khiếm nhã và không đúng mực.

+ Sự im lặng: người Nhật có khuynh hướng nghi ngờ lời nói và quan tâm nhiều đến hành động, họ sử dụng sự im lặng như một cách để giao tiếp và họ tin rằng nói ít thì tốt hơn nói quá nhiều. Trong buổi thương thảo, người có vị trí cao nhất thường ít lời nhất và những gì anh ta nói ra là quyết định sau cùng, im lặng cũng là cách không muốn làm mất lòng người khác.

+ Gián tiếp và nhập nhằng: thường thì họ giải thích ít những gì họ ám chỉ và những câu trả lời thì cũng rất mơ hồ. Họ không bao giờ nói “không” và chẳng nói cho biết rằng họ không hiểu. Nếu cảm thấy bất đồng hoặc không thể làm những yêu cầu của người khác họ thường nói “điều này khó”.

Bất kỳ lời nói, cử chỉ nào của người Nhật kể cả sự thúc giục hay từ chối cũng đều mang dấu ấn của sự lịch thiệp, nhã nhặn. Vì người Nhật có ý thức tự trọng cao nên họ đặc biệt tránh trở thành kẻ lố bịch, không đúng mực, khiếm nhã khi giao tiếp.

Người Nhật rất chú trọng làm sao cho người đối thoại cảm thấy dễ chịu. Họ không bao giờ muốn làm phiền người khác bởi những cảm xúc riêng của mình, cho dù trong lòng họ đang có chuyện đau buồn nhưng khi giao tiếp với người khác họ vẫn mỉm cười.

Khi bước vào tiếp xúc, sau những lời chào hỏi xã giao, với cương vị chủ nhà, họ thường chủ động đi vào vấn đề cần bàn bạc trước. Lúc câu hỏi được đưa ra có nghĩa là công việc đã chính thức bắt đầu. Trong không khí căng thẳng, nếu bạn tạo được tình huống vui vẻ gây cười thì sẽ tạo được ấn tượng tốt, nhưng nên dừng lại đúng lúc. Người Nhật khi đang thực thi nhiệm vụ hoặc đang suy nghĩ thì không nên đưa ý kiến chệch vấn đề đang bàn, nói những câu thiếu thông tin, hỏi về đời tư. Bạn sẽ bị đánh giá là thiếu nghiêm túc, thậm chí sẽ gây ác cảm với họ.

Dù người Nhật rất khoan dung với người nước ngoài về khoản này, nhưng sẽ là một lỗi trong giao tiếp nếu không dùng ngôn ngữ lễ phép và kính ngữ khi dùng tiếng Nhật để nói chuyện với người có địa vị cao hơn. Kính ngữ “san” có thể dùng khi bạn nói tiếng Anh nhưng đừng dùng nó để gọi chính mình. Tên người Nhật có họ để phía trước nhưng họ cũng thường để ngược lại vì lợi ích của người Tây phương trong giao tiếp.

Nụ cười hay tiếng cười của người Nhật có thể là do họ cảm thấy bối rối hoặc khó chịu, và có thể không mang nghĩa là họ đang vui.

Sẽ là thô lỗ nếu khi không gửi thiệp trong ngày Tết của Nhật khi nhận được thiệp gửi cho bạn. Nhưng nếu gửi thiệp ấy tới một tang gia chưa giáp năm là lỗi trong giao tiếp.

Với người Nhật, việc tặng tiền thường bị xem là thô lỗ, tiền mặt là loại quà cáp quy chuẩn trong đám cưới hay cho trẻ em trong năm mới.

Khi gọi ai đó bằng cách vẫy tay, nên để tay thẳng, lòng bàn tay hướng xuống, sau đó quạt các ngón tay xuống, việc cong một vài ngón tay trong không khí là cử chỉ tục tĩu. Sẽ là một lỗi trong giao tiếp nếu chỉ tay trực tiếp vào người khác, thay vào đó ta mở rộng bàn tay ngửa lên trên như thể đang bưng một cái mâm và chỉ về phía người đó.

Một điều rất quan trọng trong giao tiếp là cách tạo ra thiện cảm ban đầu, trong công việc cũng như sinh hoạt, người Nhật không muốn bị lãng quên. Với quỹ thời gian eo hẹp của cuộc sống công nghiệp, công chức Nhật rất quan tâm vấn đề thời gian nếu có cuộc hẹn. Họ tỏ ra khó chịu khi phải đợi và rất mất cảm tình với người sai hẹn. Nếu là người đi tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh thì anh ta khó có cơ hội thứ hai gặp lại.

Người Nhật thích tặng quà cho từng người khách và khi được tặng quà thường không mở món quà đó trước mặt người tặng quà, như luật bất thành văn, họ tặng quà nhau trong các ngày lễ tết hoặc khi có tin vui, thăng quan tiến chức. Việc gói quà tặng là cả một nghệ thuật, bạn nên nhờ nhân viên bán hàng làm giúp để tránh sai sót. Không nên tặng quà có số lượng 4 hoặc 9, những vật nhọn hoặc trà uống vì chúng tượng trưng cho điều kém may mắn tại Nhật.

Khi đến nhà người khác chơi, được chủ nhà mời vào nhà thì người khách phải đáp “cảm ơn, rất hân hạnh” và cởi bỏ áo khoác trước cửa nhà. Nếu là người đến thăm lần đầu thì chỉ ở chơi không quá nửa giờ, sau đó vào lúc thích hợp phải xin phép ra về với câu “Tôi đã làm phiền ngài quá lâu, xin lượng thứ”. Sau khi cởi đôi dép đi trong nhà, người khách phải quay mũi dép vào trong phòng, ở cửa người khách phải cúi chào một lần nữa và cảm ơn chủ nhà vì sự tiếp đón rồi mới đi ra.

Phụ nữ Nhật khi nói chuyện với người ít quen biết thì họ phải im lặng và nhìn đi chỗ khác, đó được coi là những hành vi đức hạnh, được đánh giá là người phụ nữ đức hạnh, còn nếu nhìn chăm chú sẽ bị đánh giá là người không đứng đắn, thiếu đức hạnh vì hành vi đó được đánh giá như lời mời gọi dẫn tới sự thân mật.

Văn hóa cafe của người Nhật

Nói đến văn hoá ẩm thực của người Nhật, người ta nghĩ ngay đến nghệ thuật trà đạo đặc sắc nổi tiếng khắp thế giới. Tuy nhiên ngày nay, nước Nhật lại được biết đến như một "xã hội cà phê".

Lịch sử ghi nhận, lần đầu tiên đất nước Mặt trời mọc biết đến cà phê vào năm 1877. Năm 1888, cửa hàng cà phê đầu tiên của Nhật được khai trương ở quận Ueno, Tokyo. Sau đó, các cửa hàng cà phê bắt đầu mọc lên khắp nơi trên đất Nhật. hiện nay trung bình mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu khoảng 380.000 tấn cà phê từ hơn 40 quốc gia, trở thành nước nhập khẩu cà phê đứng hàng thứ ba trên thế giới.


Các quán cà phê ở Nhật phục vụ cà phê, trà, nước hoa quả, nhiều quán bán cả bánh mỳ nướng, sandwich và bữa ăn nhẹ. Nhiều cửa hàng còn phục vụ cả bữa trưa bao kèm theo đồ uống với giá cả phải chăng. Tuy nhiên, cà phê vẫn là mục chủ đạo trong thực đơn. Mỗi cửa hàng cà phê đều cố gắng để có được một tách cà phê hoàn hảo phục vụ khách hàng. Có cửa hàng chỉ sử dụng hạt cà phê Kilimajaro hoặc Mocha, quán khác lại có phương pháp pha trộn các loại hạt cà phê khác nhau theo một tỷ lệ nhất định. Một số cửa hàng chuyên kinh doanh các loại trà Trung Quốc hoặc phương Tây.


Cũng giống như ở các nước khác, các quán cà phê ở Nhật Bản không chỉ là một nơi lý tưởng để mọi người thưởng thức cà phê mà còn là nơi có thể nghỉ ngơi, thư giãn, tán gẫu với ai đó hay đọc một cái gì đó. Tuy nhiên, cùng với xu hướng phát triển của cuộc sống và thị hiếu của khách hàng, mỗi quán cà phê ở Nhật Bản đã tự tìm cho mình những hướng đi riêng…


Design quán theo phong cách cá tính, cũng là một hướng đi riêng


Cà phê âm nhạc là một hình thức đặc biệt hấp dẫn và thu hút. Có những quán cà phê chuyên phục vụ một loại nhạc đặc biệt nào đó, có thể là nhạc cổ điển, nhạc jazz hoặc nhạc rock. Trước đây, khi các phương tiện nghe nhìn còn quá đắt, người ta thường thích tụ tập ở những quán cà phê quen thuộc, thưởng thức loại nhạc mà mình ưa thích và nhâm nhi một tách cà phê ngon. Ngày nay, những tụ điểm như vậy đã ít đi nhưng quán Meikyoku Kissa Lion nằm ở quận Shibuya của Tokyo vẫn giữ được phong cách này. Hơn 50 năm qua, nơi đây vẫn không có gì thay đổi. Những chiếc loa lớn được đặt ở một nơi dễ thấy, bên cạnh là khoảng 5.000 đĩa nhạc cổ điển và khoảng 1000 đĩa CD sẵn sàng để phục vụ yêu cầu của khách.

Một loại hình cửa hàng cà phê khác đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản là cà phê truyện tranh. Nắm bắt được thị hiếu ưa thích đọc truyện tranh của người Nhật, các cửa hàng này đã tập hợp một số lượng truyện tranh lớn phục vụ khách hàng đọc ngay tại chỗ. Đối với giới trẻ, đến các quán cà phê truyện tranh là một lựa chọn rất kinh tế vì ở đây họ được đọc truyện theo sở thích với chi phí thấp thay vì phải bỏ tiền ra mua. Đối với giới kinh doanh và các nhân viên công ty, đây là một nơi "ẩn náu" tuyệt diệu cho họ sau những ngày làm việc căng thẳng, họ có thể tạm "chạy trốn" khỏi công việc để nghỉ ngơi và thư giãn hoàn toàn… Tokyo Manga Tantei-dan là một một quán cà phê truyện tranh nổi tiếng ở phường Jinbo-cho, quận Kanda của Tokyo. Tại đây khách hàng có thể vừa thưởng thức cà phê có sẵn tại quán vừa đọc truyện tranh, số tiền tuỳ thuộc vào thời gian. Ở Nhật Bản, loại hình này được xem như một ngành công nghiệp giải trí ngang hàng với các câu lạc bộ karaoke.

Bên cạnh đó, loại hình quán cà phê bình dân cũng phát triển rất mạnh. Đi đầu trong phong cách kinh doanh này ở Nhật Bản là công ty cà phê Doutor. Công ty bắt đầu hoạt động năm 1980 chỉ với một cửa hàng, giá chỉ bằng một nửa so với những quán cà phê thông thường khác. Khách hàng ưa chuộng giá cả và hương vị cà phê của Doutor. Những cửa hàng này tập trung ở Tokyo và một số tỉnh lân cận.

Năm 1996, "cơn lốc Starbucks" - một hệ thống cà phê - bar của Mỹ "đổ bộ" lên đất Nhật và đã thu hút được rất nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Một trong những lý lẽ thuyết phục nhất giải thích về sự thành công này là Starbucks đem lại cho khách hàng một không khí thời thượng với những loại cà phê hơi (espresso) chất lượng cao.

Không hoàn toàn đồng nhất với phong cách Mỹ, các quán cà phê mang phong vị Châu Âu, đặc biệt là theo kiểu Paris lại làm mê đắm những cô gái trẻ trong độ tuổi 20-30. Sự kết hợp giữa thiết kế, nội thất trang nhã, lịch sự với phong cách âm nhạc êm dịu tạo cho họ cảm giác như ở căn phòng của chính mình - một không gian lý tưởng để họ gặp gỡ bạn bè, tán gẫu, thưởng thức cà phê và thư giãn…

Một loại hình cửa hàng cà phê mới có tên Anh gốc Pháp là "cà phê" cũng trở nên phổ biến ở các thành phố. Các quán "cà phê" có khuynh hướng phản ánh khẩu vị, phong cách riêng của chủ quán về thức ăn, thiết kế nội thất và âm nhạc. Quán Shichimencho của bà Soma Chiemi nằm ở quận Minami-Aoyama của Tokyo là điển hình của phong cách này. Chủ quán đã bài trí nội thất, chọn thể loại âm nhạc theo sở thích riêng của bà, còn các món ăn thì nấu theo kiểu gia đình. "Tôi muốn đem lại cho khách hàng cảm giác thoải mái thực sự theo đúng nghĩa của nó" bà Soma Chiemi nói.

Hiện nay, cùng với xu hướng phát triển của xã hội, ở Nhật Bản xuất hiện loại hình các quán cà phê tổ hợp (complex cà phê) với nhiều hình thức dịch vụ phong phú nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.


Hãy thử bước vào một quán cà phê ở quận Ikebukuro ở Tokyo - trung tâm của những quán cà phê truyện tranh trước đây. Đập vào mắt bạn là hàng dãy các phòng ngăn riêng với máy tính và ti vi trong mỗi phòng. Ngoài ra, tại đây còn trang bị thêm hàng trăm đĩa DVD và các đĩa chương trình trò chơi khác… Các dịch vụ như tắm nắng, matxa…cùng vô số những dịch vụ khác cũng xuất hiện. Quán AirsCafe tại quận Chiba, phía đông Tokyo với những trang thiết bị như máy tính cá nhân, máy in, máy fax …tạo ra một môi trường rất thuận tiện và phù hợp cho những ai muốn tập trung vào công việc…Quán Kameido, chi nhánh của hệ thống các cửa hàng cà phê đa năng Jiyu Kukan lại là nơi hẫp dẫn phần đông những đôi yêu nhau hay các gia đình. Ngoài truyện tranh, ở đây còn có rất nhiều các hình thức giải trí khác như bóng bàn, bi-a, phi tiêu, trò chơi điện tử…Đồ uống được miễn phí và các món ăn có được mua từ các máy bán hàng tự động. Tại đây cũng có phòng riêng chỉ dành cho phụ nữ, thậm chí có cả phòng theo phong cách Nhật trải chiếu tatami…

Sự đa dạng, phong phú của các quán cà phê ở Nhật Bản giúp khách hàng có thể lựa chọn quán này hay quán khác tuỳ theo sở thích và mục đích cá nhân… Mỗi quán cà phê sẽ là một thế giới thư giãn và giải trí riêng đối với từng người. Sự "bùng nổ" các loại hình quán cà phê cũng khiến cho một loạt các quán trà cũng đứng trước sức ép thay đổi để phù hợp với xu hướng mới.

Có thể thấy ở Nhật Bản, uống cà phê không đơn thuần là sở thích mà đã nó trở thành một hoạt động được xã hội hoá, một phần đặc biệt của nền văn hoá hiện đại Nhật Bản.

Từ điển lễ hội Nhật

Để hoà theo không khí tưng bừng nhộn nhịp của mùa lễ hội hoa Anh Đào đang diễn ra ở Hà Nội, thủ đô Seoul của Hàn Quốc và cả cũng như trên khắp đất nước Nhật Bản vào tháng Tư này, mời các bạn cùng Ichi tra một số từ thường gặp để biết đâu có cơ hội tham dự một lễ hội nào đó, bạn sẽ không còn lúng túng mà biết ngay được cách gọi của những hình ảnh ấy là gì nữa chứ nhỉ?!!

Awa Odori:


http://i80.photobucket.com/albums/j199/hanadanvn/ACCtive%20Expo%202008/tudienlehoi/tudienlehoi7.jpg


Tại Nhật Bản không ai là không biết tới các điệu múa của vùng “Awa”, tên cũ của tỉnh Tokushima, một tỉnh nằm ở phía Đông của quần đảo Honshu Nhật Bản. Awa Odori (odori nghĩa là nhảy múa) xuất phát từ các lễ hội mùa hè của tỉnh Tokushima nhưng ngày nay nó phổ biến đến ¾ các lãnh thổ Nhật Bản với biến thể là các điệu nhảy múa có tên “yosakoi” trong tất cả những lễ hội của quốc gia này. Ngày nay hẳn nhiều bạn đọc của Ichi không còn xa lạ gì với yosakoi còn nếu muốn tìm hiểu Awa Odori đặc sắc tới thế nào, đừng ngại ngần tìm kiếm những clip sống động của nó trên youtube bạn nhé!


http://i80.photobucket.com/albums/j199/hanadanvn/ACCtive%20Expo%202008/tudienlehoi/tudienlehoi3.jpg


http://i80.photobucket.com/albums/j199/hanadanvn/ACCtive%20Expo%202008/tudienlehoi/tudienlehoi8.jpg


Onna Odori: “những thiếu nữ nhảy múa” là cách gọi các cô gái biểu diễn các điệu nhảy hay các màn múa truyền thống trong lễ hội của Nhật. Từ này có lúc cũng được hiểu là dành riêng để chỉ các thiếu nữ nhảy những điệu nhảy truyền thống của vùng Tokushima.

Chà, thế còn các chàng trai nhảy múa trong lễ hội người ta gọi là gì nhỉ? Bạn nhớ nha: Otoko Odori đó!

http://i80.photobucket.com/albums/j199/hanadanvn/ACCtive%20Expo%202008/tudienlehoi/tudienlehoi1.jpg

Yukata, Geta: Bạn đọc của Ichi hẳn đã quen thuộc với y phục kimono mùa hè và guốc gỗ kiểu Nhật này rồi đúng không nào? Và cũng hoàn toàn đúng khi bạn biết rằng, đây là loại y phục được người Nhật mặc phổ biến trong các lễ hội (đặc biệt là các lễ hội mùa hè) của mình.

Happi: Nếu như onna odori và các thiếu nữ Nhật thường mặc yukata thì happi là phục trang chủ yếu của otoko odori. Tuy nhiên, ở những lễ hội hiện đại, người mặc happi có thể là bất cứ ai!




Uchiwa: Ah cái quạt tròn của Nhật! Ichi đã giới nên các bạn có thể đọc lại ở đây nhé! ^_^

Chouchin:

Những chiếc đèn lồng bằng giấy hoặc vải lụa xuất hiện trong lễ hội, vừa để trang trí, vừa để làm...đạo cụ múa, lại vừa để thắp sáng khi lễ hội tổ chức vào buổi tối. Bạn sẽ thấy cả một con đường lấp lánh sáng và những điệu múa trở nên huyền ảo, quyến rũ hơn rất nhiều.

Amigasa:

Chiếc mũ hình bán nguyệt này được sử dụng khi một onna odori đang sử dụng các điệu nhảy hay bài múa có xuất nguồn từ Awa Odori. Nó khiến cho những điệu nhảy của vùng này trở thành độc đáo trong khắp các lễ hội diễn ra trên quốc đảo này qua nhiều thời kỳ lịch sử.

http://i80.photobucket.com/albums/j199/hanadanvn/ACCtive%20Expo%202008/tudienlehoi/tudienlehoi2.jpg

Mikoshi:

http://i80.photobucket.com/albums/j199/hanadanvn/ACCtive%20Expo%202008/tudienlehoi/tudienlehoi6.jpg

Một hoạt động không thể thiếu của các lễ hội dân gian (không chỉ với người Nhật Bản mà cả ở Việt Nam ta cũng vậy) chính là hoạt động rước kiệu. Đây là nghi thức bắt buộc thuộc về phần “lễ” trong một lễ hội. Tuy nhiên, với người Nhật, nghi thức linh thiêng này đã được hoà chung bởi cảm hứng của những điệu nhảy dân gian sôi động, góp phần tạo nên không khí hội hè thật vui vẻ và đặc trưng.

http://i80.photobucket.com/albums/j199/hanadanvn/ACCtive%20Expo%202008/tudienlehoi/tudienlehoi5.jpg

Chà, vẫn còn nhiều nhiều lắm nhé những từ ngữ cực thú vị về một lễ hội truyền thống điển hình của người Nhật Bản.