Ngày càng nhiều sinh viên như Hiroki cố gắng vượt lên để tránh rơi vào nhóm người mà các chuyên gia gọi là “Thế hệ mất mát”. Đó là thuật ngữ ám chỉ những thanh niên Nhật Bản phải kiếm sống bằng những công việc bấp bênh với mức lương bèo bọt.
“Nếu bạn là một freeter, thì chẳng có gì là đảm bảo cho tương lai”, Hiroki dùng thuật ngữ "freeter" để ám chỉ những thanh niên thay đổi việc làm bán thời gian liên tục sau khi ra trường.
Nhật Bản từng có một “Thế hệ mất mát” khi giới trẻ phải bám lấy những công việc không ổn định như cộng tác viên bán thời gian, công nhân hợp đồng hay nhân viên tạm thời. Họ không thể tìm được một việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp trung học hay cao đẳng. Đó chính là giai đoạn “đóng băng” về nhân công từ năm 1994 tới năm 2004.
Giờ đây, giới lãnh đạo Nhật Bản lại đang lo ngại sự phục hồi kinh tế mong manh sau cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm qua, cộng với các kế hoạch thuê nhân công hết sức thận trọng của các doanh nghiệp có thể lại đẩy lớp trẻ vào tình trạng nguy hiểm. Xu hướng này sẽ càng làm gia tăng viễn cảnh lãng phí nguồn nhân lực quốc gia khi mà xứ hoa anh đào còn đang phải đấu tranh với sự già hóa dân số và tỉ lệ sinh đẻ thấp.
Tuy nhiên, những người chỉ trích lại cho rằng những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề của chính quyền Thủ tướng Yukio Hatoyama, bao gồm cả việc giới hạn số nhân viên tạm thời, sẽ chỉ càng làm tình hình trầm trọng thêm.
Tỷ lệ thất nghiệp 4,9% của Nhật vẫn khiến rất nhiều quốc gia khác ghen tị. Kể cả khi xứ hoa anh đào đang ở đáy của thời kỳ “đóng băng” lao động, vẫn có tới 90% sinh viên đại học ở Nhật có việc làm sau khi ra trường. Nhưng với một hệ thống mà các công ty chỉ tuyển dụng hàng loạt vào tháng 4 (và thường là sau khi đã chủ động mời sinh viên từ trước đó một năm), cơ hội để kiếm được một công việc ổn định bị thu hẹp lại rất nhiều đối với những người bỏ qua đợt tuyển dụng này.
Hệ thống tuyển dụng được duy trì ở Nhật Bản trong suốt thời kỳ nước này tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã cung cấp cho các công ty nguồn lao động giá rẻ và linh hoạt. Những người này sẽ làm việc cả đời chỉ cho một công ty. Họ được đào tạo và tăng lương theo số năm làm việc.
Nhưng trong khi chế độ làm việc suốt đời bị xóa bỏ trong thời kỳ suy thoái, thì hệ thống tuyển dụng hiện tại cũng vẫn chẳng hề thay đổi. Điều đó có nghĩa là khi công ty quyết định cắt giảm nhân lực để tiết kiệm chi phí, gánh nặng chủ yếu sẽ đè lên những người mới tốt nghiệp và công nhân tạm thời – chiếm khoảng 1/3 số lao động Nhật Bản.
“Để bảo vệ mức lương cho những nhân viên cấp cao, giới doanh nghiệp hy sinh cơ hội dành cho giới trẻ. Các công ty áp đặt mọi sự điều chỉnh lên những nhân viên tạm thời và những người mới tốt nghiệp, mà đó chính là những người yếu thế nhất", ông Naohiro Yashiro, giáo sư kinh tế học tại trường Đại học International Christian ở Tokyo nhận xét.
Các nỗ lực của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề đều tập trung vào tư vấn, đào tạo việc làm và thúc giục các công ty tuyển dụng thêm nhiều nhân viên lâu dài. Mặt khác, họ phải hạn chế số lượng nhân viên tạm thời.
“Nếu sinh viên không được các công ty mời về làm trước khi ra trường, họ thường trở thành các freeter hoặc những nhân viên tạm thời với mức lương thấp và không có bất kỳ ưu đãi nào. Vì vậy chúng tôi muốn giúp họ hết sức có thể để những người này tìm ra được một việc làm ổn định trước khi ra trường”, bà Masayo Murayama, một quan chức của chính quyền Tokyo, cho biết.
Nội các của thủ tướng Hatoyama tháng trước đã thông qua một dự luật cấm các công ty điều phối lao động gửi các công nhân tạm thời đến các nhà sản xuất. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong ba năm tới.
Đảng Dân chủ lên cầm quyền vào năm ngoái và hứa sẽ quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của công nhân và người tiêu dùng.
Ông Yashiro, người ủng hộ việc cải cách chế độ trả lương theo thâm niên lao động đề nghị: “Thị trường lao động cần phải linh hoạt hơn, chấp nhận nhiều loại nhân công bao gồm cả những người làm tạm thời. Người lao động phải chọn giữa thất nghiệp và công việc không ổn định. Còn chính phủ thì lại nghĩ người lao động phải có việc làm ổn định hoặc không có gì cả”.
Tuy nhiên, những thay đổi như vậy sẽ rất khó được liên minh cầm quyền của Đảng Dân chủ xúc tiến trong thời điểm hiện tại. Nguyên nhân là vì tầm quan trọng của các công đoàn lao động đối với cơ sở bầu cử của các đảng và vì sự trượt dốc trong tỉ lệ bầu cử do những lo ngại về khả năng đưa ra những quyết định cứng rắn của chính quyền Thủ tướng Hatoyama.
“Sẽ rất khó khăn cho một chính quyền trung tả thực hiện một kế hoạch phát triển liên quan đến nhiều sự điều chỉnh về thị trường lao động, bi vì họ sẽ phải trả rất nhiều tiền công”, ông Jerram nhận xét.
Và thế là trong khi chờ đợi chính phủ ra tay thì những sinh viên như Hiroki luôn cảm thấy tương lai thật mù mịt. Cậu đã gửi hồ sơ đến gần 10 công ty và chưa nhận được bất kỳ tín hiệu khả quan nào.
“Ngày càng có ít những nơi mà tôi muốn nộp đơn vào tổ chức đợt tuyển dụng trong năm nay. Tôi chẳng biết có cơ hội nào dành cho tôi không nữa” Hiroki nói.
Hà Thu (theo Reuters)
No Response to "'Thế hệ mất mát' tại Nhật"
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.