Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

'Thế hệ mất mát' tại Nhật

Cậu sinh viên Hiroki tại Nhật Bản sẽ tốt nghiệp vào tháng tới và muốn tìm việc ngay. Nhưng gửi hồ sơ đến 40 doanh nghiệp, từ công ty tin học cho đến những tập đoàn truyền thông lớn, cậu vẫn chưa được mời đến phỏng vấn.


Ngày càng nhiều sinh viên như Hiroki cố gắng vượt lên để tránh rơi vào nhóm người mà các chuyên gia gọi là “Thế hệ mất mát”. Đó là thuật ngữ ám chỉ những thanh niên Nhật Bản phải kiếm sống bằng những công việc bấp bênh với mức lương bèo bọt.

“Nếu bạn là một freeter, thì chẳng có gì là đảm bảo cho tương lai”, Hiroki dùng thuật ngữ "freeter" để ám chỉ những thanh niên thay đổi việc làm bán thời gian liên tục sau khi ra trường.

Nhật Bản từng có một “Thế hệ mất mát” khi giới trẻ phải bám lấy những công việc không ổn định như cộng tác viên bán thời gian, công nhân hợp đồng hay nhân viên tạm thời. Họ không thể tìm được một việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp trung học hay cao đẳng. Đó chính là giai đoạn “đóng băng” về nhân công từ năm 1994 tới năm 2004.

Giờ đây, giới lãnh đạo Nhật Bản lại đang lo ngại sự phục hồi kinh tế mong manh sau cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm qua, cộng với các kế hoạch thuê nhân công hết sức thận trọng của các doanh nghiệp có thể lại đẩy lớp trẻ vào tình trạng nguy hiểm. Xu hướng này sẽ càng làm gia tăng viễn cảnh lãng phí nguồn nhân lực quốc gia khi mà xứ hoa anh đào còn đang phải đấu tranh với sự già hóa dân số và tỉ lệ sinh đẻ thấp.

Tuy nhiên, những người chỉ trích lại cho rằng những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề của chính quyền Thủ tướng Yukio Hatoyama, bao gồm cả việc giới hạn số nhân viên tạm thời, sẽ chỉ càng làm tình hình trầm trọng thêm.

Tỷ lệ thất nghiệp 4,9% của Nhật vẫn khiến rất nhiều quốc gia khác ghen tị. Kể cả khi xứ hoa anh đào đang ở đáy của thời kỳ “đóng băng” lao động, vẫn có tới 90% sinh viên đại học ở Nhật có việc làm sau khi ra trường. Nhưng với một hệ thống mà các công ty chỉ tuyển dụng hàng loạt vào tháng 4 (và thường là sau khi đã chủ động mời sinh viên từ trước đó một năm), cơ hội để kiếm được một công việc ổn định bị thu hẹp lại rất nhiều đối với những người bỏ qua đợt tuyển dụng này.

Hệ thống tuyển dụng được duy trì ở Nhật Bản trong suốt thời kỳ nước này tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã cung cấp cho các công ty nguồn lao động giá rẻ và linh hoạt. Những người này sẽ làm việc cả đời chỉ cho một công ty. Họ được đào tạo và tăng lương theo số năm làm việc.

Nhưng trong khi chế độ làm việc suốt đời bị xóa bỏ trong thời kỳ suy thoái, thì hệ thống tuyển dụng hiện tại cũng vẫn chẳng hề thay đổi. Điều đó có nghĩa là khi công ty quyết định cắt giảm nhân lực để tiết kiệm chi phí, gánh nặng chủ yếu sẽ đè lên những người mới tốt nghiệp và công nhân tạm thời – chiếm khoảng 1/3 số lao động Nhật Bản.

“Để bảo vệ mức lương cho những nhân viên cấp cao, giới doanh nghiệp hy sinh cơ hội dành cho giới trẻ. Các công ty áp đặt mọi sự điều chỉnh lên những nhân viên tạm thời và những người mới tốt nghiệp, mà đó chính là những người yếu thế nhất", ông Naohiro Yashiro, giáo sư kinh tế học tại trường Đại học International Christian ở Tokyo nhận xét.

Các nỗ lực của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề đều tập trung vào tư vấn, đào tạo việc làm và thúc giục các công ty tuyển dụng thêm nhiều nhân viên lâu dài. Mặt khác, họ phải hạn chế số lượng nhân viên tạm thời.

“Nếu sinh viên không được các công ty mời về làm trước khi ra trường, họ thường trở thành các freeter hoặc những nhân viên tạm thời với mức lương thấp và không có bất kỳ ưu đãi nào. Vì vậy chúng tôi muốn giúp họ hết sức có thể để những người này tìm ra được một việc làm ổn định trước khi ra trường”, bà Masayo Murayama, một quan chức của chính quyền Tokyo, cho biết.
Nội các của thủ tướng Hatoyama tháng trước đã thông qua một dự luật cấm các công ty điều phối lao động gửi các công nhân tạm thời đến các nhà sản xuất. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong ba năm tới.

Đảng Dân chủ lên cầm quyền vào năm ngoái và hứa sẽ quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của công nhân và người tiêu dùng.

Ông Yashiro, người ủng hộ việc cải cách chế độ trả lương theo thâm niên lao động đề nghị: “Thị trường lao động cần phải linh hoạt hơn, chấp nhận nhiều loại nhân công bao gồm cả những người làm tạm thời. Người lao động phải chọn giữa thất nghiệp và công việc không ổn định. Còn chính phủ thì lại nghĩ người lao động phải có việc làm ổn định hoặc không có gì cả”.

Tuy nhiên, những thay đổi như vậy sẽ rất khó được liên minh cầm quyền của Đảng Dân chủ xúc tiến trong thời điểm hiện tại. Nguyên nhân là vì tầm quan trọng của các công đoàn lao động đối với cơ sở bầu cử của các đảng và vì sự trượt dốc trong tỉ lệ bầu cử do những lo ngại về khả năng đưa ra những quyết định cứng rắn của chính quyền Thủ tướng Hatoyama.

“Sẽ rất khó khăn cho một chính quyền trung tả thực hiện một kế hoạch phát triển liên quan đến nhiều sự điều chỉnh về thị trường lao động, bi vì họ sẽ phải trả rất nhiều tiền công”, ông Jerram nhận xét.

Và thế là trong khi chờ đợi chính phủ ra tay thì những sinh viên như Hiroki luôn cảm thấy tương lai thật mù mịt. Cậu đã gửi hồ sơ đến gần 10 công ty và chưa nhận được bất kỳ tín hiệu khả quan nào.

“Ngày càng có ít những nơi mà tôi muốn nộp đơn vào tổ chức đợt tuyển dụng trong năm nay. Tôi chẳng biết có cơ hội nào dành cho tôi không nữa” Hiroki nói.

Hà Thu (theo Reuters)

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Kỳ bí những ngôi mộ lớn nhất thế giới ở Nhật Bản

Thật khó có thể tin, ở Nhật Bản lại có những lăng mộ cổ khổng lồ, hoành tráng không kém so với lăng mộ của các vị vua Ai Cập. Đó là khu lăng mộ có tên Kofun ở thành phố Sakai gần Osaka, thành phố lớn thứ hai của Nhật.
Những ngôi mộ khổng lồ hình lỗ khóa chụp từ vệ tinh. 

Chúng được gọi là Kofun. Những lăng mộ này được xây dựng từ giữa những năm 250 đến 538 sau CN (kỷ nguyên này được gọi là giai đoạn Kofun).

Lăng mộ lớn nhất trong số chúng, những lăng mộ hình lỗ khóa, được gọi là zempo-koen-fun và chúng rất đặc trưng cho nước Nhật.

Xung quanh các lăng mộ lớn là hàng chục các lăng mộ hình chữ nhật nhỏ hơn được gọi là Baicho.

Các lăng mộ lớn hình lỗ khóa đã bị cây cối phủ xanh. Thật khó có thể tưởng tượng hình dáng lỗ khóa có ý nghĩa thật sự là gì.

Lăng mộ lớn nhất là Daisen Kofun có chiều cao 486m và được bao quanh bởi 3 giao thông hào. Lăng mộ này được xây dựng trong 16 năm, sử dụng 2.000 nhân công mỗi ngày, tổng cộng có gần 7 triệu lượt người được huy động để xây dựng lăng mộ này.

Daisen Kofun là ngôi mộ của vị hoàng đế huyền thoại Nintoku và là ngôi mộ lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ có ít người biết về Daisen Kofun hay lăng mộ của Hoàng đế Nintoku là lăng mộ lớn nhất thế giới.
Hoàng đế Nintoku... 
...và lăng mộ lớn nhất của ông. Lăng mộ này dài 486m, cao 35m. Kim tự tháp Khufu có chiều dài các cạnh 230,4m và cao 146m.

Ngôi mộ của hoàng đế Richu-ryo Tumulus lớn thứ hai, có chiều dài 360m. 
Lăng mộ của Hoàng đế Hanzei. 
Về phía nam là khu lăng Nisanzai Tumulus, dài 290m, lăng mộ lớn thứ 8 ở Nhật. Tên của nó được lấy từ từ Misasagi , trong tiếng Nhật có nghĩa là lăng hoàng đế. 
 
Hoàng đế Ojin, cha của Hoàng đế Nintoku và lăng mộ Gobyoyama Tumulus dài 186m.  
Lăng mộ Itasuke Tumulus, Kofun nhỏ nhất trong thành phố Sakai, “chỉ” dài có 146 m.  
Sakai nổi tiếng với những khu lăng mộ hình lỗ khóa, hay các Kofun được xây dựng từ thế kỷ thứ 5. Những lăng mộ vua chúa ở đây được cho là lớn nhất thế giới tính theo diện tích.
Kim tự tháp Khufu. 

Một lăng mộ Kofun ở trung tâm thành phố Sakai. 

Từng nổi tiếng là nơi sản xuất những thanh kiếm Samurai tuyệt hảo, Sakai giờ đây còn nổi tiếng về chất lượng của những con dao dùng trong bếp. Nghề làm dao kéo ở Sakai đóng góp phần lớn vào sản lượng công nghiệp ở thành phố này.

Chuyện An Cư Ở Nhật Bản

Thế chấp... cuộc đời
 
Khác với Việt Nam, thanh niên vẫn có thói quen truyền thống sống dựa vào gia đình, giới trẻ Nhật khi ra đời phải hiểu ngay cuộc đời mình phải thế chấp hai lần: Lần đầu là thế chấp để vay tiền đi học và thế chấp thứ hai là vay tiền để mua/xây nhà.
Anh Hải kể tiếp, hồi mới qua Nhật, anh cứ nghĩ, ở đất nước giàu nhất nhì thế giới này, mọi thứ sẽ được nhà nước chu cấp. Nhưng không, tất cả người dân đều phải tự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đối với giới trẻ Nhật, sự nỗ lực ấy lại đòi hỏi gấp 2-3 lần, tuy nhiên, bên cạnh họ luôn có những chính sách hỗ trợ đặc biệt từ phía chính phủ, nhất là trong lĩnh vực nhà ở.
Anh Hải cho biết, việc mua nhà ở Nhật rất dễ (người nước ngoài cũng có quyền sở hữu và mua bán nhà như người Nhật). Nhưng cũng như một số nước ở Châu Á khác như Hồng Kông, Singapore..., giá nhà đất ở Nhật thuộc vào loại đắt đỏ nhất trên thế giới.
Với mức giá cao ngất như vậy, người lao động, đặc biệt là giới trẻ rất khó có khả năng xoay xở cho mình một căn nhà. Để giúp cho các đối tượng này, Chính phủ Nhật đã xây dựng quỹ công khố tài chính quốc gia, chuyên cho người dân vay vốn để mua/xây nhà với lãi suất ưu đãi.
Ngoài ra, chính phủ còn thành lập quỹ hưu phúc lợi cho công nhân viên các xí nghiệp và quỹ hưu quốc gia cho những người hành nghề tự do (chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, bác sĩ, luật sư..). Lãi suất của các quỹ nói trên thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Vì thế, dân Nhật thường vay các quỹ này trước, nếu còn thiếu mới vay ngân hàng. Do đó, mỗi căn hộ thường có thể thế chấp cho 3-4 cơ quan khác nhau.
Theo anh Hải, sở dĩ ngân hàng yên tâm cho nhân viên vay vì các công ty trả lương bằng cách chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của nhân viên đó tại ngân hàng mà họ vay vốn mua/ xây nhà. Sau đó, ngân hàng sẽ tự động khấu trừ số nợ họ phải trả hằng tháng cho ngân hàng và các cơ quan tín dụng khác.
Trước khi chuyển tiền lương vào tài khoản của công nhân viên, công ty phải khấu trừ thuế thu nhập, phí bảo hiểm y tế, phí bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội (đóng góp vào quỹ hưu). Ngân hàng sẽ thẩm định mỗi trường hợp xem cá nhân vay có thể sinh sống được sau khi trả nợ hay không?
hường khi vay vốn mua/xây nhà trong 20-30 năm, thì tiền trả nợ tổng gộp tương đương với tiền thuê một căn hộ hay nhà. 

Tăng cường thu thuế
 
Sau khi tốt nghiệp trung học hay đại học, một thanh niên Nhật có thể vào làm cho một công ty có qui mô tuỳ thuộc vào năng lực của mình. Thời gian đầu, họ sẽ sống trong các chung cư của công ty với giá thuê nhà được nâng đỡ khoảng từ 10-15 năm. Trong thời gian này, anh/chị sẽ tích lũy một số vốn tương đương với 30% số tiền cần thiết để mua/xây một căn nhà.
Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân tại Nhật, nếu cư dân trích một phần thu nhập gửi quỹ tiết kiệm hằng tháng nhằm mục đích mua/xây nhà thì sẽ được giảm thuế thu nhập tương ứng.
Với 30% vốn cần thiết cho việc mua/xây nhà, cá nhân đó sẽ hội đủ các điều kiện để vay vốn từ các cơ quan tín dụng. Thời gian vay vốn kéo dài từ 20 - 35 năm, trước khi người lao động về hưu ở tuổi 60. Khi thu nhập cao lên hay có điều kiện vật chất tốt hơn, người lao động sẽ rút ngắn thời hạn trả nợ.
Tuy nhiên, khi mua được nhà, giới trẻ Nhật phải có nghĩa vụ đóng thuế lại cho nhà nước. Để chống nạn đầu cơ nhà, đất tràn lan, chính phủ Nhật đã đưa ra nhiều sắc thuế khác nhau, trong đó phải kể đến thuế nhà đất và thuế chống để lãng phí đất. 
Thuế nhà đất là loại thuế mà chủ nhân của căn nhà đó phải đóng, để chi phí cho các dịch vụ do chính quyền thành phố đảm nhận như: tiền xử lý rác, quét đường, xúc tuyết, tiền nước, dịch vụ chuyên chở công cộng…
Thuế nhà đất tại Nhật được xác định theo một chỉ số thuế và giá ước lượng của một ngôi nhà, đất. Anh Hải cho biết, giá ước lượng này được căn cứ trên giá thị trường, vì vậy nhà đất càng đắt tiền thì chủ nhân càng phải đóng thuế cao.
Riêng về thuế chống lãng phí đất, anh Hải cho biết thêm, đây là thuế đánh vào các khu đất trống. Cách đánh thuế này đã hạn chế rất nhiều các kiểu đầu cơ đất tại Nhật từ thập niên 70.
Theo anh Hải, bằng chính sách thuế và các phương thức tín dụng hỗ trợ người dân hợp lý nên tuy giá nhà đất ở Nhật thuộc vào hạng cao trên thế giới, nhưng Nhật Bản cũng là quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà ở cao nhất.

Ngày Hội Tái Chế Chất Thải 2010

Sáng 18.04.2010 các bạn trẻ yêu môi trường Kaizen Yoshida School đã hào hứng tham gia “Ngày hội Tái chế chất thải năm 2010” do Quỹ Tái chế chất thải (Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức tại công viên Lê Văn Tám, Quận 1, TP.HCM.

Các bạn trẻ yêu môi trường Kaizen Yoshida School trước “Ngày hội tái chế chất thải 2010”
Trong tinh thần giao lưu, học hỏi hòa vào không khí sôi động của ngày hội, các bạn Kaizen Yoshida School đã hào hứng tham gia các gian hàng “Đổi chất thải nguy hại lấy quà”, “Cũ người mới ta” và tham quan các gian hàng giới thiệu các dự án tái chế, công nghệ tái chế chất thải…

Các bạn Kaizen Yoshida School trước gian hàng “Sức sống mới từ phế thải”

Các bạn Kaizen Yoshida School giao lưu cùng các bạn trẻ Siêu thị Big C

Các bạn Kaizen Yoshida School tại gian hàng “Đổi chất thải nguy hại lấy quà” sau khi đổi pin - chất thải độc hại và nhận quà từ Ban tổ chức

Nụ cười tươi tắn của các bạn Kaizen Yoshida School bên MC Hồng Phượng





“Đoàn làm phim” Kaizen Yoshida School trước giờ bấm máy Video clip 3T
(Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế chất thải)

“Sống xanh hôm nay - Khỏe mạnh ngày mai”

Thể hiện sự quan tâm cùng kêu gọi cộng đồng sống “3T” các bạn trẻ Kaizen Yoshida School đã mang đến ngày hội Video clip “Sống xanh hôm nay - Khỏe mạnh ngày mai” với thông điệp: Nhận thức sâu sắc “Tái chế chất thải là giải pháp tất yếu cho nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt. Đồng thời là biện pháp hiệu quả xử lý triệt để chất thải, tăng quỹ đất và tăng thu cho ngân sách thành phố trước hiện trạng trung bình chất thải TPHCM thải ra môi trường hơn 6.000 tấn/ngày nhưng 90%/tổng khối lượng chất thải không được tái chế mà đem chôn lấp.” Kaizen Yoshida School mong muốn mọi người cùng ý thức về sự nguy hại cho môi trường của nhiều loại chất thải từ các vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Và cùng chung tay bảo vệ môi trường từ 1 hành động nhỏ nhất với 3T ”

Kaizen Yoshida School trân trọng giới thiệu đến tất cả những người bạn yêu môi trường Video clip “Sống xanh hôm nay - Khỏe mạnh ngày mai” như một thông điệp ”Xanh” trao tặng nhau và mời gọi tất cả cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh và bền vững.
“Sống xanh hôm nay - Khỏe mạnh ngày mai”



“Đoàn làm phim” 3T “Sống xanh hôm nay - Khỏe mạnh ngày mai” tại Ngày hội Tái chế chất thải 2010

Các bạn Kaizen Yoshida School chụp hình lưu niệm cùng ông Nguyễn Văn Phước - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi Trường TP.HCM

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Hoa anh đào nở trắng trời Nhật Bản

Cuối cùng thì giây phút đẹp nhất trong năm cũng đã tới với người dân Nhật Bản. Cứ vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 hoa anh đào lại nở trắng đất trời và tạo nên một khung cảnh nên thơ tuyệt đẹp ở khắp mọi nơi trên đất nước Nhật Bản. Đây cũng là thời điểm mà lễ hội Hanami bắt đầu.


Thời gian hoa anh đào nở cho đến khi rụng chỉ kéo dài trong khoảng 10 ngày. Cánh hoa mỏng tang, mềm mại, bay xòa trong làn gió xuân, dù có cuộc đời ngắn ngủi nhưng anh đào chiếm vị trí quan trọng trong trái tim người Nhật và là một phần văn hóa của đất nước này.

Hanami hay còn gọi là Lễ hội ngắm hoa anh đào được kéo dài bằng mùa hoa anh đào nở, tức khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4. Đây là thời gian mà người Nhật tụ tập gia đình, bạn bè, tổ chức picnic ca hát ăn uống vui đùa tại công viên, dưới những gốc anh đào, bên trên hoa nở rộ trắng xóa giữa nền trời xanh biếc.

Với người Nhật, hoa anh đào tượng trưng cho sắc đẹp, sự mong manh và trong trắng, là loại hoa "thoắt nở thoắt tàn" nên được các võ sỹ samurai yêu thích, vì nó tượng trưng cho "con đường chết" của người võ sĩ (sống và chết như hoa anh đào). Khắp nơi trên đất nước Nhật Bản đều có hoa anh đào, đặc biệt ở trong các công viên, ven sông, dọc theo bờ kênh, trong sân các ngôi biệt thự.

Một thiếu nữ Nhật Bản e ấp bên cây hoa anh đào. 

Ở Nhật Bản, hoa anh đào thường nở vào mùa xuân, tuy từng nơi mà hoa có thể nở sớm hơn hay muộn hơn. Ở miền Nam nước Nhật ấm áp hơn, hoa có thể nở từ cuối tháng 1 trong khi vùng Hokkaido phía Bắc Nhật Bản, hoa có thể nở vào tháng 5. Do vậy người yêu thích hoa anh đào có thể ngắm hoa theo hành trình đi từ Nam lên Bắc trong nước Nhật hàng tháng trời, đối lập với lá momizi trong sắc mùa thu, đỏ thắm dần từ Bắc xuống Nam.

Trong mùa hoa anh đào nở, nước Nhật như được bao phủ trong một đám mây hoa và những cánh hoa rơi rụng lả tả trong gió như một trận mưa hoa vừa kiêu hãnh vừa bi tráng, người Nhật thường tổ chức lễ hội mừng hoa khắp nước.

Thanh niên nam nữ tổ chức cắm trại vui chơi. Các cụ già ngồi uống rượu sake dưới gốc cây. Trong khi uống sake, nếu có một cánh hoa rơi rụng vào chén rượu thì mọi người thường hân hoan cho đó là điều may mắn. Các đời Thủ tướng Nhật thường tổ chức chiêu đãi các đoàn khách ngoại giao đến vườn thượng uyển Shinjuku Gyoen uống rượu ngắm hoa.

Sau đây là một số hình ảnh mới nhất về mùa hoa anh đào nở năm 2010 tại Nhật Bản: