Với mong muốn đem đến cho người Nhật một cuộc sống thoải mái và tiện nghi hơn, Akio Nitori đã bỏ ra hàng chục năm nghiên cứu thói quen sống và tiêu dùng của người Mỹ.
Akio Nitori, Chủ tịch tập đoàn Nitori, người xếp thứ 13 trong danh sách 40 người giàu nhất nước Nhật năm 2010, theo bình chọn của Tạp chí Forbes
Một chuyến đi đến Mỹ đã thay đổi cuộc đời của Akio Nitori và tương lai của ngành bán lẻ hàng nội thất Nhật. Đó là vào năm 1972, lúc bấy giờ, Nitori mới 27 tuổi, là chủ của 2 cửa hàng trang trí nội thất và đồ gia dụng tại đảo Hokkaido. Trong một chuyến đi thực nghiệm do một hiệp hội ngành trang trí nội thất tổ chức, ông đã có 1 tuần ở bang California (Mỹ), mua sắm và quan sát cách người Mỹ sinh sống.
Nitori nhận thấy rằng, không giống như những ngôi nhà chật hẹp ở Nhật, những ngôi nhà ở California không phải có 1 phòng tắm mà có tới 2 phòng, cùng với các phòng riêng làm nơi sinh hoạt của gia đình và khách đến chơi và có cả một hồ bơi ở sân sau. Người Mỹ thích trang trí nhà bằng các loại vải có nhiều màu sắc được phối hợp hài hòa, trong khi người Nhật cũng trang trí nhà với nhiều màu sắc nhưng rất lộn xộn, không theo quy luật nào.
Đồ nội thất và gia dụng Mỹ được thiết kế nhằm làm cuộc sống của chủ sở hữu được thoải mái hơn, chứ không chỉ là để làm phồng túi tiền của các nhà sản xuất như ở Nhật. Và điều quan trọng hơn là người Mỹ chẳng tốn bao nhiêu khi sở hữu các mặt hàng tiện ích này, vì giá đồ nội thất và gia dụng tại Mỹ chỉ bằng 1/3 so với Nhật.
“Lúc đó, lần đầu tiên tôi mới hiểu được rằng, người Nhật “sống nghèo” như thế nào. Và tôi muốn thay đổi điều đó bằng cách giúp họ hưởng thụ một cuộc sống giàu có như người Mỹ”, Nitori nói.
Giá rẻ nhưng chất lượng
Hiện nay, Nitori là chuỗi siêu thị hàng trang trí nội thất và đồ dùng gia đình lớn nhất tại Nhật với doanh số bán tăng 17,3%, đạt 3,2 tỉ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2.2010. Và cho đến nay, những chuyến đi thăm nước Mỹ vẫn là kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của Hãng. Mỗi năm, Nitori đưa khoảng 800 nhân viên đến Mỹ tham quan các siêu thị trong hệ thống Wal-Mart, Target và những siêu thị khác để xem cách thức trình bày các gian hàng, kỹ thuật bán hàng, mẫu mã hàng hóa, chất liệu, màu sắc cũng như giá cả. Nitori cho biết: “Nước Mỹ vẫn luôn là người thầy của chúng tôi”.
Những việc làm đơn giản như vậy đã giúp Nitori đứng vững trong một môi trường khắc nghiệt vốn đã đẩy nhiều nhà bán lẻ truyền thống của Nhật vào cảnh phá sản. Tâm lý bất an của người tiêu dùng đã khiến cho doanh số bán ở các siêu thị và thương xá Nhật giảm xuống qua mỗi năm trong 13 năm qua, theo thống kê của các tổ chức trong ngành. Doanh số bán hàng nội thất và đồ gia dụng đã giảm 1,7% vào năm ngoái, xuống còn 4,8 tỉ USD, theo Hiệp hội Chuỗi Siêu thị Nhật.
Trong khi các nhà bán lẻ truyền thống đang chật vật xoay xở thì các chuỗi cửa hàng giá rẻ như Nitori, Shimamura, Fast Retailing (điều hành chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo) và Yamada Denki lại bành trướng rất nhanh. Những nhà bán lẻ này không chỉ đem đến cho người tiêu dùng các sản phẩm giá rẻ mà còn mạnh tay cắt giảm chi phí, chú trọng đến khả năng sinh lời và đặc biệt quan tâm đến thời trang và mẫu mã.
Chủ tịch Nitori (xếp thứ 13 trong danh sách 40 người giàu nhất nước Nhật năm 2010 theo bình chọn của Tạp chí Forbes) là người rất nhất quán, luôn nghĩ đến việc làm thế nào để giảm giá bán mà không gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Và ông luôn trung thành với tôn chỉ này trong hơn 20 năm qua.
Năm 2009, Nitori đã có tới 4 lần giảm mạnh giá bán. Thậm chí, một số sản phẩm của Nitori còn rẻ hơn sản phẩm cùng loại ở chuỗi siêu thị nội thất Ikea (Thụy Điển) tới 30%. Các mức giảm giá mạnh như vậy có thể là điều bình thường ở Mỹ và châu Âu, nhưng tại Nhật, điều này gần như là một cuộc cách mạng.
Người say mê những con số
Nitori là người không hề theo quy củ. Có tới 3/4 sản phẩm ông bán ra mang nhãn hiệu của Công ty (Nitori mua số lượng lớn hàng hóa từ các nhà sản xuất khác và dán nhãn của doanh nghiệp mình lên).
Hầu hết các sản phẩm của Nitori được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Đồng thời, Hãng cũng sở hữu 2 nhà máy tại Việt Nam và Indonesia. Tại 2 nhà máy này, Nitori sản xuất những mặt hàng mà Hãng cho rằng, các nhà máy bên ngoài sẽ không thể làm đạt theo tiêu chuẩn chất lượng đặt ra, đặc biệt là các sản phẩm như tủ, giường.
“Không công ty nào lại đeo đuổi mô hình kinh doanh bán lẻ và sản xuất kép đến mức độ như Nitori”, Nozomi Moriya, chuyên gia tại ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ), chuyên theo dõi hoạt động của Nitori, nhận định. Bà Moriya cho biết, việc sở hữu các nhà máy cho phép Nitori làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp một cách dễ dàng hơn vì họ hiểu rõ hoạt động sản xuất của chính mình. Điều này giúp Nitori không phải thông qua các công ty thương mại mà mua trực tiếp từ các nhà máy và có thể giảm giá bán sản phẩm.
Nitori là một người say mê những con số. Ông luôn theo dõi những dữ kiện quan trọng đối với thành bại của Công ty như lượng khách hàng đến mua sắm, độ tuổi của mỗi siêu thị và nhân viên, số lượng đơn khiếu nại về chất lượng, lợi nhuận và doanh thu tính trên mỗi nhân viên. Và từ đó, ông đặt ra các chiến lược phù hợp.
Ông tin rằng có một độ tuổi lý tưởng cho các siêu thị và nhân viên. Ông luôn duy trì độ tuổi trung bình của các cửa hàng là 24 và cho đóng cửa những siêu thị đã quá già cỗi hoặc không còn khả năng thu hút đủ lượng khách hàng đến mua sắm. Ông cũng giữ độ tuổi trung bình của nhân viên trong khoảng 30-34. Lý do, theo ông, là “khi nhân viên ở độ tuổi quá trẻ, họ sẽ không có đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm mà chúng tôi cần và cho dù chúng tôi có làm gì thì cũng không thể thay đổi họ như mình mong muốn. Sau tuổi 34, các nhân viên bắt đầu gặp các vấn đề về sức khỏe như xơ cứng động mạch, tăng cân… Vì thế, họ ít năng động hơn”.
Cách thức của Nitori, tuy có vẻ kỳ quặc, nhưng hoàn toàn đúng luật vì luật pháp Nhật cho phép người sử dụng lao động cụ thể hóa giới hạn độ tuổi đối với những lao động được tuyển mới trong một số điều kiện cho phép. Và điều quan trọng là cách thức đó đã phát huy tác dụng. Doanh số bán và lợi nhuận hằng năm của Nitori luôn tăng trong 23 năm qua. Người mua vẫn luôn xếp hàng bên ngoài siêu thị Fuchu, ngoại ô Tokyo, chờ mở cửa. Ôtô cũng xếp hàng dài, chờ được vào bãi đỗ xe những ngày cuối tuần.
Nitori đã đạt được mục tiêu của mình. Đó là đem đến cho người Nhật một cuộc sống thoải mái. Ông cũng đã đưa được các sản phẩm có sự phối hợp màu sắc hài hòa vào các ngôi nhà của người Nhật và thậm chí ở một số lãnh thổ và quốc gia châu Á khác (Nitori có 5 siêu thị tại Đài Loan).
Blog Archive