Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Gặp mặt doanh nghiệp CNTT với đoàn từ Osaka


Hội Tin học TP.HCM (HCA) và Chính quyền TP. Osaka, Nhật Bản, Hội Tin học Kansai, Nhật Bản (KISA) tổ chức buổi gặp mặt doanh nghiệp CNTT với đoàn từ Osaka, Nhật Bản.

Một cuộc gặp mặt doanh 
nghiệp của ðoàn HCA tại Nhật Bản cuối nãm 2009.
Minh hoạ: Cuộc gặp mặt doanh nghiệp CNTT Việt Nhật tại Tokyo hồi tháng 11/2009.
 
Đây là hoạt động giao lưu bổ ích giữa các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và các doanh nghiệp CNTT của  Nhật Bản nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh trực tiếp giữa các đối tác.

Thời gian diễn ra sự kiện là ngày thứ Sáu, 5/3/2010 từ 14h đến 17h, bao gồm phần hội thảo từ 14h đến - 15h và phần gặp mặt (Businessmatching) từ 15h đến 17h. Địa điểm là Khách sạn Legend Saigon, 2A - 4A, đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM.

 Nguồn HCA

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Thời nguy khốn của các “đại gia” Nhật Bản

Dòng xe Camry của Toyota - Ảnh: Reuters.
Các doanh nghiệp từng là niềm tự hào của Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng nhất từ trước đến nay
Các doanh nghiệp từng là niềm tự hào của Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng nhất từ trước đến nay khi Hãng hàng không quốc gia Japan Airlines vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản, trong khi hãng sản xuất ôtô hàng đầu Toyota thì đang trải qua cú sốc phải thu hồi hàng triệu xe lớn nhất trong lịch sử.

Mặc dù kinh tế Nhật trên đà phục hồi khả quan, tăng trưởng liên tiếp trong 3 quý gần đây, song các doanh nghiệp Nhật Bản hiện gặp phải tình thế khó khăn nhất từ trước đến nay. Ngoài Japan Airlines và Toyota, các “đại gia” khác như hãng Sony, Honda, tập đoàn bán lẻ Sebu... cũng đang thất bại và tụt hậu.

Các đại gia thua lỗ và phá sản

Kinh tế Nhật bước vào năm 2010 với một loạt tín hiệu xấu. Đáng chú ý là việc Hãng hàng không Japan Airlines, biểu tượng cho thành công kinh tế và sự phồn thịnh của Nhật đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản cuối tháng 1 vừa qua, mặc dù trước đó đã nhận được gói hỗ trợ lên tới 200 tỷ Yên từ Chính phủ.

Nhưng, giới phân tích cho rằng, thất bại lớn nhất là việc Toyota phải thu hồi hàng triệu xe ở nước ngoài. Thoạt đầu, việc thu hồi chỉ được tiến hành trên 8 mẫu xe của hãng, nhưng giờ thì toàn bộ các mẫu xe đã phải chịu chung số phận và việc thu hồi không chỉ diễn ra ở Mỹ mà đã lan sang cả châu Âu và Trung Quốc. Còn tồi tệ hơn là người ta lo ngại rằng không chỉ lỗi ở phần kẹt chân ga mà còn cả ở trong chính động cơ của xe.

Tiếp theo Toyota và Japan Airlines, đến lượt hãng Honda đang đứng trước nguy cơ thu hồi xe trên phạm vi toàn cầu do lỗi kỹ thuật. Các tập đoàn điện tử bao gồm cả Sony cũng đang lâm vào tình trạng khó khăn do các doanh nghiệp điện tử của Hàn Quốc và Trung Quốc ngày càng chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Hãng điện tử lớn nhất Nhật Bản là Sony hiện đã để mất vị trí số 1 vào tay công ty Samsung và LG của Hàn Quốc. Một “đại gia” khác của Nhật Bản trong lĩnh vực dịch vụ là chuỗi cửa hàng bách hóa Seibu cũng vừa phải tuyên bố đóng cửa sau những thua lỗ trong kinh doanh.

Thất bại bởi một loạt sai lầm

Đặc biệt, hãng sản xuất xe hơi Toyota với chất lượng sản phẩm ưu việt của mình đã vươn lên vị trí số 1 trên thế giới, tạo nên một làn sóng “học tập kinh nghiệm Toyota”. Nhiều chuyên gia cho rằng, với 25% đóng góp cho GDP quốc gia, sự sụp đổ của các tập đoàn công nghiệp chế tạo dẫn đến nguy cơ khủng hoảng cho nền kinh tế Nhật Bản, trong bối cảnh nước này đang gượng dậy sau bão tài chính.

Phân tích trên diễn đàn của Đài KBS về thất bại của các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản, Tiến sĩ Jeong Ho-seong thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Samsung của Hàn Quốc cho rằng: Sự sụp đổ đó có nhiều nguyên nhân trong đó phải kể đến sự thất bại của hệ thống sản xuất. Khủng hoảng toàn cầu và suy thoái đã buộc các tập đoàn lớn như Toyota phải cắt giảm nhân viên chính thức và sử dụng những lao động bán thời gian chưa có nhiều kinh nghiệm. Tiếp nữa, những nhân viên thuộc thế hệ thời kỳ bùng nổ sinh đẻ, những người chuyên cần và lành nghề đã bắt đầu nghỉ hưu từ năm 2007.

Tóm lại, Toyota và một số tập đoàn của Nhật đã bị “chảy máu nhân tài”, đặc biệt là nhân lực gắn bó lâu nhất với hệ thống sản xuất vốn làm nên thành công cho hãng. Riêng hãng Toyota còn thất bại còn bởi hãng này đã không đánh giá chính xác được xu hướng thị trường các nước đang phát triển. Ngoài ra còn do sự thất bại của chiến lược kinh doanh không thích ứng được những thay đổi bên ngoài.

Tiến sĩ Jeong Ho-seong giải thích rằng, sự thất bại của các nhà sản xuất Nhật Bản còn bắt nguồn chính từ sự “toàn cầu hóa” không hợp lý.

Trong trường hợp Toyota, với mong muốn vươn lên vị trí số 1 thế giới, hãng đã mở rộng sản xuất một cách không kiểm soát và trong quá trình này, một loạt nhân viên vốn am hiểu về hệ thống sản xuất của hãng đã trở thành đối tượng của việc cơ cấu lại và tinh giản biên chế và phải ra đi. Tiếp nữa, chính sách tiết kiệm chi phí khắc nghiệt của Toyota đã làm giảm chất lượng sản phẩm, gián tiếp dẫn tới sự cố phải thu hồi hàng triệu xe vừa qua.
 
(Nguồn vneconomy.vn)

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

05.02.2010 - 忘年会2010


Gửi mọi người hình ảnh của buổi tiệc Bounenkai của lớp KS1 & KS2:


 

 

 

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

 Để chuẩn bị cho buổi Bounenkai, mọi người đã tập luyện (hát quá trời ...) không ăn không ngủ luôn.




 

  

  

  

 

Vài đoạn video đây:



Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

"May mắn" sẽ xảy ra khi sự chuẩn bị gặp được cơ hội


Ảnh minh họa.
Anh nọ nói với anh kia, “Này, anh có biết đường nào dẫn về đích không?” Anh này nói, “Không, tôi không biết. Nhưng anh nói chi cơ chứ, dù sao chúng ta cũng bắt đầu chạy rồi?”

May mắn được mô tả - ở đúng nơi vào đúng thời điểm. Tuy nhiên, có điều bạn cũng phải biết mình muốn gì. Nếu không, có thể bạn ở đúng nơi, vào đúng thời điểm… nhưng lại không bao giờ nhận ra điều đó.

Hãy tưởng tượng 2 vận động viên (cả 2 đều được bịt mắt) trên cùng một đường đua. Anh nọ nói với anh kia, “Này, anh có biết đường nào dẫn về đích không?” Anh này nói, “Không, tôi không biết. Nhưng anh nói chi cơ chứ, dù sao chúng ta cũng bắt đầu chạy rồi?”

Bạn có muốn chạy theo cuộc đua như thế không?

Không ai trong số họ sẽ nhanh chóng đoạt được huy chương Olympic. Làm sao để nhận ra nếu anh này “đánh bại” anh kia? Đây là một tình huống buồn cười. Nhưng nó cũng không có gì buồn cười hơn cách mà nhiều chuyên viên bán hàng (CVBH) “tranh đua” trong quá trình làm việc hàng ngày của họ.

Nếu bạn hỏi 100 CVBH một cách ngẫu nhiên để xác định vị trí họ muốn trong 1, 2, hay 5 năm nữa – “đích đến” mà họ hi vọng chạm đến về khía cạnh thu nhập, phát triển bản thân và nghề nghiệp, đóng góp cho công ty của mình, hay vì một lý do nào đó, bất cứ vấn đề quan trọng, có ý nghĩa nào khác trong cuộc sống – bạn sẽ nghe họ trả lời ra sao? Có lẽ 5 trong số 100 người đó có thể nói, một cách cụ thể, những điều họ muốn trong cuộc sống ở từng thời điểm. Từ 95 người còn lại, hầu như bạn chỉ nhận được một cái nhìn ngơ ngác hoặc câu trả lời lập lờ mà thôi.

Đặt 5 người đó vào “đúng vị trí”, “đúng thời điểm”, tất nhiên, mọi điều tốt đẹp có thể xảy ra. Bởi vì họ biết chính xác điều họ muốn, có thể hình dung ra kết quả, và sẵn sàng hành động để đạt kết quả đó. Một khi họ biết được điều họ muốn, họ có thể tận dụng mọi hoàn cảnh, mối quan hệ, và ngay cả “những sự trùng hợp ngẫu nhiên” để hỗ trợ cho mục tiêu của mình. 95 người kia, bạn chẳng thể đặt họ vào “đúng vị trí”, “đúng thời điểm” được. Tại sao lại không? Bởi vì đơn giản, họ còn không biết mình muốn gì! Không có vị trí đúng cho họ! Không ở thời điểm thích hợp cho họ! Và cũng không có đích đến cuối cùng!

“May mắn” thật sự là giao điểm của “chuẩn bị” và “cơ hội”. Và bạn càng biết rõ về những gì bạn muốn trong cuộc sống bao nhiêu, bạn sẽ càng nhận thấy bản thân mình trở nên may mắn hơn bấy nhiêu.

“Lo lắng” chính là “tiền lãi trả trước” cho những “rắc rối vay mượn”

Bạn có bao giờ lo lắng về buổi chào hàng sắp tới, về phần trình bày sắp diễn ra, hay trong lúc khách hàng tiềm năng (KHTN) đang đưa ra quyết định không? Bạn có bao giờ lo lắng về hành động của mình trong cuộc gặp hay phần trình bày trước đó không? Hay có lẽ bạn băn khoăn về phần nhận xét của khách hàng hoặc KHTN. Nếu là vậy, không chỉ mình bạn gặp trường hợp như thế. CVBH thường lo lắng về những sự việc xảy ra trong quá khứ hay tương lai.

Một số ít mối bận tâm có thể mang lại lợi ích nếu điều này thúc đẩy bạn xem lại chiến lược của mình và tìm cách cải thiện. Tuy nhiên, khi lo lắng chế ngự ngày làm việc của bạn, điều đó tác động xấu đến suy nghĩ của bạn. Bạn phân tâm trong công việc, vấn đề hiện tại. Trong khi đó bạn lại để tâm đến những viễn cảnh viển vông, vốn bạn không thể kiểm soát. Lo lắng làm bạn phán đoán thiếu chính xác, thiếu logic và không sắc sảo. Lo lắng không phải là một cảm xúc lành mạnh, và cũng không phải là hành động có tính chất xây dựng.

Có thể tránh những lo lắng về những việc trong tương lai bằng cách sắp xếp công việc một cách khéo léo, đầy trí tuệ. Hãy vạch rõ khoản thời gian cụ thể cho việc lên kế hoạch và chuẩn bị các công việc sắp tới. Sau đó, sắp xếp thời gian để không cản trở các hoạt động bình thường khác. Sau cùng, và quan trọng nhất, bản thân bạn phải chấp nhận duy trì lịch trình đó… và sau đó cứ để mọi thứ xảy ra một cách tự nhiên! 

Có thể tránh lo lắng về những chuyện trong quá khứ bằng cách chấp nhận kết quả tương đối hơn. Đôi lúc, công việc của bạn sẽ được thực hiện một cách hoàn hảo… chính xác đến từng milimét, và bạn đạt được kết quả như mong muốn. Đó là điều tốt! Cũng có khi, kết quả sẽ không hoàn hảo. Điều này không tốt, tuy nhiên đây là một phần của trải nghiệm bản thân. Hãy chấp nhận! Lo lắng nhiều hay ít cũng không thay đổi được gì cả.

Bạn có thể hạn chế tối thiểu lo lắng hơn nữa bằng cách lên kế hoạch hàng tuần một cách kỹ lưỡng và sau đó phân loại ưu tiên và sắp xếp các hoạt động hàng ngày của bạn. Nếu hoạt động hôm nay được sắp xếp tốt, bạn có thể bắt đầu ngày mai mà không phải lo lắng về những gì đã diễn ra hôm nay. Và, nếu hoạt động ngày mai cũng được lên kế hoạch kỹ càng, bạn có thể hoàn tất công việc hôm nay mà không có lo lắng nào về những gì sẽ xảy ra ngày mai.

Kinh tế trì trệ: Tưởng thưởng hoành tráng

Một số lĩnh vực ngành nghề gặp rất nhiều khó khăn, nhưng có một điều chắc chắn là đa số khách hàng và KHTN trong thị trường vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động mua bán. Cũng chắc chắn là một số (có lẽ là nhiều) đối thủ cạnh tranh của bạn với những chiến lược phát triển ngắn hạn đã thu hẹp đội ngũ bán hàng và tiếp thị của họ.

Điều này có nghĩa thế nào với bạn?

Có nghĩa rằng đây là lúc để bạn phát huy những nỗ lực của mình. Duy trì tầm nhìn xa có lẽ không dễ dàng, tuy nhiên phần thưởng mang lại rất đáng kể. Những công ty nào đã không “thắt lưng buộc bụng” một cách thiếu tính toán trong lúc kinh tế giảm sút sẽ có cơ hội giành được thị phần lớn hơn khi kinh tế phục hồi.

Khi đối thủ của bạn vẫn đang ngồi trong văn phòng của họ, lo lắng về tình hình kinh tế và đánh mất thị phần, bạn có thể ra ngoài thị trường tiếp xúc, triển khai, phát triển những mối quan hệ mới, chốt lại giao dịch, và giành được thị phần.

Phần thưởng sẽ không tự động mà có. Bạn phải chú tâm, sắp xếp có tổ chức, và cần mẫn. Và, bạn phải có một tiến trình hiệu quả trong việc xác định và đánh giá cơ hội. Tuy nhiên, nếu bạn sẵn lòng cố gắng… phần thưởng sẽ trở thành hiện thực.

Theo saga.vn

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Khi nào thì thích hợp để mở công ty riêng


Khi quyết định thành lập công ty nghĩa là ta quyết định tự làm chủ, tự kinh doanh, tự định đoạt đời mình… Đó là câu trả lời thường nhận được của đại đa số các “giám đốc” vừa thành lập công ty, nhưng sâu xa hơn mỗi người đều có mục đích riêng của mình. Sau khi vắt óc, tui chủ quan chia ra thành những nhóm sau:
  1. Nhóm thành lập công ty theo kiểu điếc không sợ súng, quá nhiều nhiệt huyết, quá nhiều mơ ước sẽ trở thành một Steve Jobs hay Bill Gates (nhưng lại thiếu kinh nghiệm).
  2. Nhóm thích có danh thiếp ghi là Giám Đốc nhưng nộp đơn vô vị trí này mãi không ai thuê nên quyết định thành lập công ty riêng để tự làm Giám Đốc.
  3. Nhóm thành lập công ty vì đã có sẵn đầu ra, có khách hàng, có dự án, họ mở công ty vì cần một tư cách pháp nhân của công ty để tiện làm việc.
  4. Nhóm thành lập công ty với hy vọng sẽ trở nên giàu có (nhóm này khác nhóm 3 là chưa biết sẽ làm gì để giàu, chỉ đơn giản nghĩ là làm giám đốc thì sẽ giàu).
  5. Nhóm đam mê kinh doanh, thích công việc kinh doanh, điều hành quản lý và có năng lực thực sự những việc đó.
  6. Nhóm nhìn ra được một cơ hội kinh doanh nào đó, có niềm tin là nó có thể kinh doanh và mang lại lợi nhuận và toàn tâm toàn ý muốn biến ý tưởng đó thành hiện thực.
Trong những nhóm trên, ta hãy cùng lướt qua nhóm nào nên thành lập công ty để ra làm riêng.

Nhóm 1: Nhiều người thường khuyên nhóm này không nên thành lập công ty, nhưng theo tui, nếu họ quá nhiều nhiệt huyết, quá nhiều đam mê thì tui nghĩ cũng nên lập công ty cho biết, 90% chúng ta sẽ gặt hái được một cái rất giá trị đó là… thất bại. Đừng nghĩ tôi châm biếm, vì thất bại xét theo một nghĩa nào đó rất có ích cho sức khỏe, nó giúp chúng ta về sau bớt điếc và bắt đầu biết sợ súng. 10% còn lại là bi kịch, đó là lỡ xui mà nhóm này thành công ngay từ những dự án đầu thì sẽ rất bi kịch, họ sẽ bắt đầu thăng hoa lên tầm mức hoang tưởng, nghĩ mình đang trên đường thành thiên tài bất khả chiến bại và từ đó sẽ dẫn họ đến những vấn đề trầm trọng hơn. Lúc này bệnh sẽ khó chữa hơn bình thường.

Nhóm 2: Nhóm này là nhóm không nên thành lập công ty nhất. Tuy nhiên, nếu quá thích cái danh thiếp và có dư chút đỉnh tiền (để thủ tục thành lập công ty, khoảng 5 triệu hoặc trên dưới đôi chút) + có một khoảng thu ổn định nào đó (để trả cho kế toán báo cáo thuế hàng tháng – đừng lo, báo cáo này thường không phức tạp vì tình hình kinh doanh đa phần là tất cả bằng không, không chi không thu). Và sau đó thật tuyệt vời!!! Bạn đã là Giám Đốc! Xin chúc mừng!

Nhóm 3 nên mở công ty, Bill Gates cũng thành lập Microsoft theo kiểu này (nhưng nhớ là Bill Gates không phải người thường). Nhóm này, khi mở công ty họ sẽ kinh doanh có lãi thời gian đầu, thậm chí có thể giàu… Nhưng trừ khi họ thật sự yêu công việc đó, giữ vững được đam mê, giữ vững được chất lượng dịch vụ/sản phẩm để có thể tiếp tục dự án hoặc công việc đang làm. Còn đa phần sau khi xong/hết dự án, công ty cũng sẽ đến giai đoạn khó khăn là không biết làm gì tiếp theo hoặc giải thể. Tóm lại là nhóm này có khả năng thu được lợi nhuận cao, nhưng để biến nó thành thành công lớn và mang tính lâu dài thì ta cần phải thêm nhiều yếu tố nữa.

Nhóm 4 – thích giàu. Nhóm này nên mua vé số, đánh đề, cờ cá ngựa, cờ tướng, cờ vua gì đó… hoặc lấy chồng giàu (nếu là nữ và có nhan sắc) hoặc làm gì đó cũng được nhưng đừng mở công ty. Vì đa phần trường hợp cả một thời gian dài ban đầu bạn sẽ sống vô cùng khó khăn, tất cả vốn liến, nhà cửa, xe cộ… đều dồn vào công ty. Tiền lương nhân viên, chi phí hoạt động, văn phòng và hàng tỉ chi phí khác, tháng nào kết toán huề vốn hoặc dư ra được chút đỉnh là mừng hết lớn, và cái khoản dư ra chút đỉnh này thường chẳng thấm vào đâu nếu chúng ta đi làm thuê.

Nhóm 5 nghe có vẻ rất thích hợp để mở công ty riêng, nhưng cũng không nên. Vì nhóm này chỉ thích kinh doanh và kinh doanh giỏi. Nhóm này nên tiếp tục đi làm thuê vì đi làm thuê vẫn được thỏa mãn máu kinh doanh, quản lý của mình, được ở trong những môi trường chuyên nghiệp (giúp cho khả năng của mình ngày càng tốt hơn), được làm những dự án lớn, được tiếp xúc với những khách hàng tầm cỡ, được thu nhập ổn định… Nói chung là đi làm thuê thì nhóm này có tất cả những gì mà họ cần, thế hà cớ gì phải sân si? Đó là lý do tui vẫn đi làm thuê (tui giống nhóm này ở chỗ đang đi làm quản lý thuê, còn giỏi hay không thì phải đợi TGĐ của tui đánh giá).

Nhóm 6 nghe có vẻ như là nhóm thích hợp nhất để mở công ty. Nhóm này có tầm nhìn, có sự nhạy bén, có chuyên môn, có một ước mơ cháy bỏng về kinh doanh và khẳng định mình. Nhưng nhóm này vẫn chỉ mới có điều kiện cần chứ chưa có điều kiện đủ. Nhóm này nếu nhìn ra được mọi thứ nhưng không có khả năng biến những cái tầm nhìn ấy thành hiện thực (tố chất của nhóm 5) thì ngoại trừ trường hợp bỏ tiền về thuê nhóm (5) làm việc cho mình, còn không thì cũng rất khó thành công.

Đọc đến đây bạn sẽ hỏi: Này, cái nào cũng không, vậy khi nào thì mới đủ điều kiện để thành lập công ty?

Câu trả lời là khi có đủ tất cả những yếu tố trên (trừ cái số 2, cái đó không quan trọng).

Nghe có vẻ ba phải nhưng thật ra điều đó chính xác. Khi bạn thấy được một hướng kinh doanh mà bạn tin là sẽ hiệu quả (6), bạn có năng lực về quản lý, đam mê kinh doanh (5) bạn có một đầu ra căn bản ban đầu (3), bạn có ước mơ làm giàu chính đáng, tạo công ăn việc làm cho mình và những xung quanh (4), bạn có thật nhiều đam mê (với kinh doanh và với lĩnh vực mà mình kinh doanh) và bạn cũng có một chút máu liều (1). Khi tất cả những câu trả lời cho các câu hỏi trên đều là thì đó là thời điểm chúng ta sẵn sàng cho việc bắt đầu một doanh nghiệp riêng của mình.

Và hãy luôn luôn chuẩn bị tinh thần rằng đây không phải là con đường nhàn hạ, bạn sẽ cày mười mấy tiếng mỗi ngày, lảo đảo bước ra khỏi công ty bạn sẽ đi ăn vất vưởng đâu đó, trong lúc ăn bạn vẫn tiếp tục suy nghĩ về những việc còn dang dở, về nhà bạn tiếp tục làm việc và bạn đi ngủ với giấc ngủ chập chờn với những vấn đề về chi phí, khách hàng, dự án… Tất cả những điều đó để đổi lấy một thu nhập rẻ bèo hàng tháng (thường là thấp hơn nhiều so với khi ta làm tất cả những việc đó lúc đi làm thuê), tệ hơn bạn có thể chẳng có đồng thu nhập nào hoặc thậm chí phải vay mượn để bù vào chi phí.

Thế chúng ta được gì khi thành lập công ty?

Tất cả những cái “bị” bên trên cũng chính là cái chúng ta “được” và nếu chúng ta may mắn đứng về phía % những công ty vượt qua được thời gian khó khăn ban đầu, thì sẽ đến một ngày nào đó chúng ta xây dựng được một doanh nghiệp ổn định, thu nhập chúng ta dần cao lên, công việc chúng ta dần đi vào quỹ đạo. Và khi về già chúng ta tự hào kể với con cháu rằng chúng ta đã dám tách ra khỏi đám đông để bước đi con đường chông gai.

Đơn giản chỉ có thế, chúng ta sẽ mất rất nhiều để được những cái giản dị như vậy. Giàu có, danh vọng vẫn là những khái niệm không nên nằm trong kế hoạch của những cái “được”. Vì vậy một lần nữa, các bạn nhóm (2) thích danh thiếp: đừng thành lập công ty. Hoặc nếu có thì nhớ xác định rõ ràng: chi phí 5 triệu nhờ dịch vụ thành lập công ty + mỗi tháng một ít tiền để thuê kế toán + mỗi năm ít tiền để đóng vài loại thuế (nhớ đừng bán hóa đơn, cái đó phạm pháp). Các bạn nhóm (3) thích giàu: nên mua vé số hoặc lấy chồng (phải đẹp, nếu không đẹp thì cũng đừng tuyệt vọng, vẫn còn cơ hội lấy chồng nước ngoài vì đôi khi quan điểm thẩm mỹ của bọn Tây rất khác).
 
(Nguồn techzone-vn.net)

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2010

Có thể làm chủ doanh nghiệp sau khi tu nghiệp tại Nhật

Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản nói về cơ hội của tu nghiệp sinh Việt Nam

“Lao động Việt có thể làm chủ doanh nghiệp sau thời gian tu nghiệp tại Nhật”
Đó là khẳng định của ông Kyoei Yanagisawa, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IMM Japan) xung quanh chương trình hợp tác đưa lao động nước Việt Nam sang Nhật Bản theo chương trình tu nghiệp sinh “phi lợi nhuận” (người lao động không phải bỏ chi phi trước lúc đi).

Ông Kyoei Yanagisawa nói: tôi đánh giá rất cao lao động Việt Nam. Thứ nhất, họ rất chịu khó, thứ hai họ rất khéo tay và thông minh nên họ tiếp thu kiến thức rất nhanh. Bản thân tôi muốn tu nghiệp sinh Việt Nam đi Nhật Bản thực tập kỹ năng, cách kinh doanh, sản xuất và quản lý, khi về Việt Nam họ có thể trở thành một nhà kinh doanh, là người chủ doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho không chỉ bản thân họ mà có thể kéo thêm 10 hay 20 lao động có việc làm.

Sau hơn 4 năm hợp tác đưa lao động Việt Nam sang tu nghiệp tại Nhật Bản, năm nay, chương trình có điểm gì mới, thưa ông?

Điểm mới của chương trình đưa lao động sang Nhật Bản theo chương trình tu nghiệp sinh sau bản thoả thuận này là người lao động chỉ mất một tháng học việc (tu nghiệp) thay vì hai tháng theo quy định chung của Nhật hoặc một năm như trước đây. Khoản trợ cấp tu nghiệp người lao động được nhận trong một tháng đó là 80.000 yên (khoảng 800 USD). Sau thời gian này, người lao động được hưởng các chế độ, quyền lợi theo luật Tiêu chuẩn lao động của Nhật như lao động sở tại.

Vì thế, nếu lao động biết cách chi tiêu và tiết kiệm, sau mỗi năm tu nghiệp họ cũng để ra được khoảng 1 triệu yên (tương đương với 10.000 USD).

Sau khi hoàn thành thời gian ba năm làm việc, người lao động về nước sẽ được IMM hỗ trợ 600.000 yên (tương đương với hơn 6.000 USD) để người lao động tự tạo việc làm cho mình tại Việt Nam. Như vậy, sau ba năm làm việc tại Nhật, nếu người lao động không tiêu xài xa xỉ, ba năm có thể  dành được tới 36.000 USD.

Với số tiền vốn là gần 4 triệu yên cộng với chính sách cho vay vốn ưu đãi của Chính phủ Việt Nam, tu nghiệp sinh sau khi về nước hoàn toàn có thể thành lập một công ty. Nếu họ cần sự giúp đỡ của IMM về mặt chuyên môn, chúng tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ họ.

Thực tế, nhu cầu của lao động Việt đi tu nghiệp tại Nhật lớn hơn rất nhiều so với chỉ tiêu hàng năm mà IMM cung cấp, các ông có  thể tác động với phía Chính phủ Nhật Bản để tăng mức chỉ tiêu này không?

Chỉ tiêu phải phụ thuộc vào kinh tế Nhật Bản hồi phục lại như thế nào. Tuy nhiên, sau ký kết bản thỏa thuận, chắc chắn chỉ tiêu sẽ tăng lên.

Chúng tôi đã có hơn bốn năm hợp tác với bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam thực hiện chương trình này. Trong thời gian đó đã có hơn 700 người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc tại các doanh nghiệp thuộc IMM. Sắp tới, tôi hy vọng số lượng tiếp nhận sẽ tăng nhanh so với bốn năm trước đây. Chúng tôi đang cố gắng tiếp nhận khoảng 1.000 lao động trong hai năm.

Theo ông, năm nay các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có nhu cầu tiếp nhận tu nghiệp sinh cho những ngành nghề nào?

Chương trình hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản tu nghiệp là có hai mục đích. Thứ nhất là cung cấp lao động cho Nhật Bản , thứ 2 là đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Vì thế, ngành nghề cũng rất đa dạng ở tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp…

Tuy nhiên, chúng tôi phân tích, đối với Việt Nam là một nước nông nghiệp, để phát triển kinh tế, chỉ có thể đàu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Tôi lấy ví dụ, Nhật Bản sau đại chiến thứ 2, bị phá hoại hết, vậy mà chỉ sau 20 năm, kinh tế được khôi phục, trở thành một cường quốc mạnh trên thế giới cũng là nhờ vào công nghiệp.

Ông nghĩ thế nào về khoản  phí đặt cọc rất cao mà lao động Việt Nam phải bỏ ra khi sang Nhật Bản tu nghiệp?

Tôi được biết, hiện Việt Nam đưa tu nghiệp sinh sang Nhật Bản thông qua nhiều tổ chức. Nếu đi qua các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam, người lao động phải đóng một khoản phí môi giới và đặt cọc rất lớn. Theo tôi, điều này hoàn toàn không nên bởi nó tạo thêm gánh nặng cho lao động Việt sang Nhật học việc, từ đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Riêng đối với chương trình hợp tác với IMM, hầu hết các chi phí đều do phía cơ quan tiếp nhận đài thọ, vì thế tu nghiệp sinh không mất bất cứ khoản chi phí nào ngoài phí ăn, ở, học tiếng, đào tạo giáo dục định hướng, phí hộ chiếu, visa tại Việt Nam. 

Chúng tôi cũng đã trao đổi và đề xuất với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam sẽ tập trung tạo điều kiện cho những lao động nghèo có cơ hội được học tập tại Nhật Bản. Những thanh niên nghèo nhưng chịu khó và có khả năng đều có thể tiếp cận chương trình này chứ không phải có tiền mới đi được .
 

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

Tâm sự của một kỹ sư làm việc tại Nhật

Chào các bạn, nhóm mình có 10 người sang Nhật làm việc theo dạng kỹ sư. Sau một năm làm việc có những điều mà mình thiết nghĩ hầu hết các bạn khác hiện đang làm việc tại Nhật cũng giống như anh em nhóm mình. Từ hôm nay xin được chia sẻ và mong nhận được chia sẻ của tất cả những "người cùng khổ" qua loạt bài viết của nhóm mình trong thời gian qua.




NHÌN LẠI MỘT NĂM SỐNG VÀ LÀM VIỆC TẠI NHẬT

時間が経つのは速いですね。
 
Thời gian trôi thật nhanh khi ta ngoái đầu nhìn quay lại, lẽ thưòng tình là người ta thường nghĩ đến những việc đã làm được trong quãng thời gian qua, những gì chưa làm được và sắp tới cần phải làm gì. Thời gian vẫn không ngừng trôi, chỉ có những dự định là vẫn còn đó.
“Nếu có tiền, bạn có thể mua được một chiếc đồng hồ
Nhưng bạn không thể mua được thời gian”

Hãy cùng ngồi lại bên nhau nhìn lại quãng thời gian sau một năm sống và làm việc trên đất nước có cái tên khá lãng mạn “Đất nứơc mặt trời mọc” xem chúng ta đã được gì, mất gì và cần phải làm gì nhé.

Những cái được:
1.Đi nhiều địa danh phía bắc Nhật bản, từ Koriyama đến Sapporo…
2.Tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của người Nhật - người dân tại một quốc gia được đánh giá thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Tiếp xúc trực tiếp và hiểu được cái gọi là tính cách Nhật bản: Nhỏ mọn, chi tiết, máy móc, sợ cấp trên một cách mù quáng…
3.Thưởng thức nhiều món ăn truyền thống của Nhật như Sushi, Sashimi, Gyudon hay Ramen v.v…
4.Có cơ hội làm quen với âm nhạc hiện đại Nhật Bản.
5.Chiêm ngưỡng tận mắt sự tiên tiến và tiện lợi của hệ thống giao thông công cộng của Nhật: Đường cao tốc trên cao, tàu điện, tàu cao tốc (shinkansen), hệ thống tàu điện ngầm - một thế giới ngầm nhộn nhịp đến bất ngờ cho những ai lần đầu chứng kiến.
6.Ngạc nhiên thú vị khi được tiếp xúc với các thiết bị vệ sinh tại Nhật, sự sạch sẽ và tiện nghi tại các khi vệ sinh công cộng,
7.Thưởng thức cảm giác khoan khoái khi ngâm mình trong hệ thống onsen của Nhật, đây là một nét đặc trưng văn hoá Nhật Bản.
8.Hiểu được cảm giác thế nào là cái nóng 40oC của mùa hè, cái lạnh âm (–) 10oC của mùa đông Nhật bản, cảm giác khó tả khi lần đầu thấy tuyết rơi, biết được thế nào là tuyết dày 1-2m.
9.Được thưởng thức vẻ đẹp giản dị và sang trọng của hoa anh đào. Cảm nhận thú vị về sự di chuyển của làn sóng anh đào khi chuyển mùa. Dường như ở đâu mùa xuân ấm áp đến thay thế mùa đông giá lạnh thì ở đó màu hồng của anh đào nở thay thế màu trắng lạnh lẻo của tuyết. Một cảm nhận thú vị chỉ có ở xứ sở của hoa anh đào.
10.Làm quen với hệ thống bán lẻ tiện lợi tại Nhật như Shop 100 \, hệ thống convenience shop (combini), yamada denki, home center, workman shop, hệ thống recycle shop v.v…
11.Dù không như mong đợi xong với số tiền kiếm được cũng giúp giải quyết được phần nào vấn đề tài chính của chúng ta trong thời buổi vật giá leo thang khủng khiếp tại Việt nam.
12.Khả năng tiếng Nhật tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là ngôn ngữ chợ búa…kônồyarồ (#_0)

Với cái nhìn tích cực để thấy cuộc sống vẫn lạc quan, anh em hãy cố gắng lục tìm trong bộ nhớ xem còn được những gì khi sống và làm việc trên xứ sở nhiều động đất này nhé!

Những cái mất:
1.Mỗi chúng ta đều có một công việc và vị trí nhất định tại Việt nam, tuy không phải là những cá nhân ưu tú trong môi trường làm việc của mình, nhưng nhất quyết không phải là những kẻ vô công rồi nghề, thất nghiệp phải chạy qua Nhật để kiếm kế mưu sinh như mấy thằng đầu đất vẫn nghĩ khi chúng ta mới đến. Mỗi chúng ta đều có cái tôi và lòng tự trọng của riêng mình. Vậy mà từ khi đến mảnh đất này chúng ta đành phải chấp nhận hạ thấp, chôn vùi cái tôi của riêng mình. Không nói chắc ai trong anh em chúng ta cũng phải thừa nhận rằng khi chúng ta khi ra đi đã để lại quá nhiều kỳ vọng cho những người ở lại, đồng thời đã đánh đổi nhiều thứ đang có để được đến mảnh đất này, nên dù gì đi nữa cũng phải cố gắng chịu đựng và không thể ngay lập tức trở về khi chưa thu lượm được gì cho dù là những thứ nhỏ nhất, thêm nữa chúng ta cũng hiểu được câu nói “nhập gia thì phải tuỳ tục”, do vậy với tinh thần học hỏi, tôn trọng văn hoá của người bản xứ chúng ta càng phải che lại cái tôi của mình để cuộc sống và công việc được thoải mái và thuận lợi hơn. Đối với anh em tu nghiệp sinh, do phải thế chấp một khoản tiền quá lớn trước khi đi, nên anh em lại càng phải nhẫn nhục và chịu đựng nhiều hơn, mà không dám hé môi đòi hỏi hay ý kiến bất cứ điều gì. Cái tôi và lòng tự trọng có lẽ là cái mất lớn nhất trong những cái mất khi chúng ta đặt chân lên xứ sở hoa anh đào này.
2.Một công việc phù hợp hay chí ít gần gủi với trình độ được đào tạo tại Việt nam, để có thể tự học hỏi và nâng cấp trình độ chuyên môn nhằm phục vụ công việc sau khi trở về nước là mong đợi và kỳ vọng lớn nhất của tất cả anh em. Tuy nhiên đổi lại là sự thất vọng đến không thể thất vọng hơn, bản thân cảm thấy như bị xúc phạm nghề nghiệp, xúc phạm đến danh dự của một kẻ được mang mác kỹ sư Việt nam, được đào tạo chính qui sau 5 năm trên ghế giảng đường Đại học. Cái mất về sự hụt hẫng nghề nghiệp cũng khó mà tính toán nổi bằng tiền.
3.Sự khác biệt hoàn toàn về giờ giấc làm việc và cam kết trả lương ngoài giờ, các khoản thưởng, chế độ bảo lãnh thân nhân… so với hợp đồng của công ty tiếp nhận Nhật bản và quảng cáo của công ty môi giới, đã khiến chúng ta đã bất mãn lại càng bất mãn hơn. Chúng ta bị đối xử như những tên nô lệ khi mới đến, mặc dù làm việc một thời gian dài mà không có ngày nghỉ hoặc với số ít ngày nghỉ nhưng được sắp xếp như kiểu bố thí, mà không hề có quyền đòi hỏi hay được giải thích gì từ phía công ty tiếp nhận. Tuy thế, với tinh thần chịu khổ, chịu cực vì tất cả những gì chúng ta đã đánh đổi, vì lòng tự trọng của những người ngẩng cao đầu khi được đến một quốc gia đứng thứ hai thế giới, và vì chờ đợi một ngày mai tốt hơn khi có thể tự chủ trong công việc, chúng ta đã chịu đựng được một quãng đường khá dài cho đến ngày hôm nay.

Tuy nhiên những người được gọi là đồng nghiệp Nhật Bản của chúng ta dường như không để ý đến điều này hoặc cố tình không cần hiểu và cho rằng chúng ta khiếp sợ, và buộc phải tuân theo mọi mệnh lệnh cả trong cuộc sống lẫn công việc nếu như không muốn bị “KUBI”. Thật trớ trêu thay!

Mặc dù vậy, sau một năm cố gắng, cần cù cày bừa như những chú ngựa hoang đã được thuần dưỡng, và thể hiện cho người Nhật thấy chúng ta không phải là những kẻ đầu đất, vai ù thịt bắp, thiên lôi chỉ đâu đánh đó. Và dường như họ đã có cách nhìn nhận và đối xử tích cực hơn, khác hẳn so với khi chúng ta mới đến. Chúng ta đánh giá cao tinh thần hợp tác và thái độ tích cực của họ, nhưng như thế vẫn là quá ít so với những gì chúng ta đã chịu đựng trong thời gian qua.

Một năm đã trôi qua, nhìn lại tương quan giữa những cái được và cái - tạm gọi là mất - để thấy được giá trị của những gì chúng ta đã bỏ lại khi quyết định thực hiện chuyến đi này. Chắc có lẽ sẽ có người hài lòng, song cũng có nhiều anh em cảm thấy mất quá nhiều mà được chẳng bao nhiêu. Một năm là thời khoảng thời gian đủ để chúng ta nhìn nhận lại công việc chúng ta đang làm, nhìn nhận lại những gì chúng ta đã cố gắng, và những quyền lợi chính đáng nghiễm nhiên chúng ta phải được hưởng mà thời gian qua chúng ta không dám lên tiếng.

Vậy nên, với tất cả những thông tin có được, với tất cả những gì chúng ta đã cố gắng trong thời gian qua, và vì tất cả những quyền lợi chính đáng mà chúng ta phải được hưởng, chúng ta đủ tự tin để đề cập đến việc yêu cầu công ty tiếp nhận Nhật bản xem xét lại quyền lợi và chính sách đối với người lao động Việt nam chúng ta. Vì quyền lợi của mỗi chúng ta, đã đến lúc cần phải nói lên tiếng nói của chính mình. Hãy tự vận động để giải thoát bản thân mình chứ đừng chờ đợi một sự giúp đỡ từ bên ngoài. Xin hãy chia sẻ và cùng hành động nhé. Chúc cho sự đoàn kết của chúng ta tạo nên sức mạnh để nói lên tiếng nói từ chính cái tôi của mình, thứ mà lâu nay chúng ta đã phải kìm nén, chịu đựng.
Xin để lại dòng suy nghĩ trong phần lời bình, mọi cảm xúc đồng cảm hay phản đối cũng xin được để lại. Đây được xem như là bằng chứng về sự đoàn kết, chung một tiếng nói của tập thể anh em chúng ta. Chúc mọi người sức khoẻ và thành công.